Sáng 26-4, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (trái) và ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: MẠNH THẮNG |
Doanh nghiệp đang thoi thóp thở
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Nguyễn Văn Đính phản ánh hiện nhiều dự án đầu tư BĐS đang phải dừng lại, ở tình trạng “đắp chiếu”. Ông cho rằng nếu được “khơi thông”, các dự án trên sẽ có giá trị rất lớn trong việc kích hoạt vận hành nền kinh tế.
Theo thống kê, quy trình tính giá đất chiếm 50% vướng mắc tại các dự án. “Đúng là chúng ta đang trong “rừng” quy định, nhiều quy định bổ sung, quy định sau khó hơn quy định trước dẫn đến cán bộ rất sợ” - ông Đính nói và nhìn nhận điều này dẫn đến việc khi làm đến công đoạn nào cũng có vấn đề khó, rất khó xử lý, từ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, tính giá đất...
Ông Nguyễn Văn Đính cũng chỉ ra tình trạng cán bộ thế hệ sau sợ cả những dự án sai phạm trước đấy, hầu như không dám đụng vào xử lý các dự án đó. Từ thực tế tham gia tổ công tác của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, ông Đính dẫn chứng tại một địa phương, có doanh nghiệp đã xây dựng xong bảy tòa nhà ở xã hội phù hợp với chủ trương nhưng không bán được sản phẩm nào.
Lý do, doanh nghiệp được phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân nhưng công nhân không có nhu cầu mua nhà. “Doanh nghiệp kiến nghị cho 10 nhóm đối tượng chính sách được mua nhà để tránh tình trạng nhà xây xong “đắp chiếu” nhưng chính quyền địa phương không dám phê duyệt” - ông Đính nói thêm.
Theo ông, khi hàng ngàn dự án đang nằm “đắp chiếu”, các công trường dự án phải dừng lại đồng nghĩa với việc hàng triệu lao động không còn việc làm, khoảng 40 ngành nghề liên quan đến ngành BĐS cũng gặp bế tắc.
“Các doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng... đang thoi thóp thở. Nếu không tháo gỡ, không giải quyết quy trình hồ sơ cho các dự án thì đến một lúc họ sẽ ngạt thở” - ông Đính kết luận.
Cán bộ từ dấn thân đến… phòng thân
Tại cuộc tọa đàm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ “sợ sai” do vấn đề quản lý và do “ngồi nhầm chỗ”. Mặt khác, pháp luật còn kẽ hở khiến cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền ngày càng có chiều hướng gia tăng.
“Tôi nghĩ do chúng ta chưa trao “thượng phương bảo kiếm” cho những người dám nghĩ, dám làm. Để giờ cấp quyết định không dám quyết, cấp tham mưu không dám lên tiếng. Bài học từ một số trường hợp vướng vòng lao lý khiến cán bộ từ trì trệ đến đình trệ, từ giảm lửa đến tắt lửa, từ dấn thân đến phòng thân” - ông Tiến nói.
Vị cựu đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm xây dựng quy định về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Thậm chí, ông còn đề xuất có thể nghiên cứu xây dựng “quỹ bảo hiểm rủi ro” để những người dám nghĩ, dám làm được bảo vệ, yên tâm dấn thân, công tác.
“Phòng hơn chống. Muốn vậy, cần quy định những điều không được làm một cách rõ ràng để chiếu theo đó phòng sai, tránh sai, từ đó không sợ sai nữa” - ông Tiến nói thêm và lưu ý phải xóa bỏ hẳn cơ chế “xin - cho”…
Tôi cho rằng giải pháp cốt lõi, vấn đề là ở con người. Do đó, cần quyết liệt để thay thế cán bộ yếu kém, cải cách cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Việc bổ nhiệm phải dựa vào thành tích cụ thể, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân. Có chính sách trọng dụng nhân tài, có cơ chế đãi ngộ xứng đáng và cho nhân tài không gian để phát triển.
Ông VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới