Cán bộ làm vì lợi ích chung, không tư lợi thì sao phải sợ?

Cán bộ làm vì lợi ích chung, không tư lợi thì sao phải sợ?

(PLO)- Cán bộ, công chức khi làm đúng pháp luật, đúng quy định, không tư lợi cá nhân sẽ luôn được xã hội trân trọng, bảo vệ, biểu dương và khen thưởng.

LTS: Cùng với việc cần có cơ chế để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì vấn đề còn lại cũng rất cấp bách hiện nay là hóa giải tình trạng một bộ phận cán bộ có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy trong công việc, gây nhiều cản lực cho sự phát triển. Xoay quanh các nội dung này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ là rất cần thiết. Ảnh: MẠNH THẮNG

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ là rất cần thiết. Ảnh: MẠNH THẮNG

“Tôi rất thích và đánh giá rất cao ý kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khi nói rằng TP sẽ đi tiên phong, thí điểm thực hiện quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cán bộ nào thiếu trách nhiệm, chậm trễ, tránh né, sợ sai, không dám làm, cầu an… cần có biện pháp xử lý, sẽ thay đổi cầu thủ, thậm chí thay đổi huấn luyện viên yếu kém” - TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã chia sẻ như thế với báo Pháp Luật TP.HCM.

Người làm vì lợi ích chung luôn được trân trọng, bảo vệ

. Phóng viên: Tại cuộc làm việc của Thủ tướng với TP.HCM mới đây, TP.HCM đã nêu ra tình trạng một bộ phận cán bộ đang có sự e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc, thậm chí có tình trạng “co cụm, cầu an và thận trọng quá mức”. Có lẽ đây không chỉ là câu chuyện của TP.HCM, thưa ông?

+ TS Trần Anh Tuấn: Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương được thực hiện rất mạnh mẽ, ai sai phạm cũng bị xử lý, không có vùng cấm, không có vùng tránh.

Điều này có tác dụng rất lớn, không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực mà còn nhắc nhở mọi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ đều phải công tâm, tuân thủ pháp luật, hết lòng vì lợi ích của xã hội, của nhân dân và đất nước… Tuy nhiên, thực tế có xuất hiện tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, không dám làm, làm việc cầm chừng, co cụm, cầu an hoặc thận trọng quá mức trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức.

Tôi biết không ít người có cương vị lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị không dám ký các văn bản, nhất là liên quan đến đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai... do lo sợ chẳng may có vấn đề gì thì “xong phim”.

Có cán bộ khi được hỏi vì sao không dám làm đã thẳng thắn trả lời rằng nếu làm, chẳng may sau này sai, dù không có tư lợi gì và đều vì cái chung sẽ chẳng có ai bảo vệ, dễ đi tù. Cho nên cứ đều đều, cầm chừng cho an toàn. Nếu việc có chậm trễ, bị phê bình mà an toàn cho mình thì cũng chẳng sao.

Ở một góc độ khác, tình trạng này rơi vào một bộ phận cán bộ có quyền quyết định trong những công việc dễ và hay xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhất như các dự án đầu tư, xây dựng cầu đường, cơ sở hạ tầng, quản lý đất đai, kinh doanh thương mại, tài nguyên môi trường...

Nguyên nhân là bởi trong bối cảnh phòng, chống tham nhũng hiện nay, khi một số người quen nhận quà cáp hoặc ăn chia khi giải quyết công việc, nay không thể hoặc không dám tham nhũng, không dám tìm kiếm lợi ích riêng tư cho mình thì cũng hay xảy ra tâm lý co lại, cầm chừng, không giải quyết, không quyết đáp.

Tình trạng này không chỉ cá biệt ở TP.HCM mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ thuộc một số bộ, ngành và các địa phương, nhất là ở những cơ quan, những địa phương có nhiều cán bộ sai phạm về tham nhũng, tiêu cực và bị xử lý.

Tình trạng một bộ phận cán bộ đang có sự e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc, đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong ảnh: Cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tình trạng một bộ phận cán bộ đang có sự e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc, đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong ảnh: Cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhận định “trong lúc Đảng, Nhà nước tập trung cao cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì có một bộ phận cán bộ giữ an toàn, làm thì sợ sai”. Trước diễn đàn Quốc hội, có đại biểu từng dẫn tâm sự của một cán bộ rằng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Ông có bình luận gì về việc này?

+ Tôi đồng ý với nhận định của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà. Tuy nhiên, “bộ phận cán bộ giữ an toàn, làm thì sợ sai” nói ở đây là những người thiếu trách nhiệm và yếu năng lực - mà những người như thế đôi lúc chúng ta vẫn gặp chứ không phải đến bây giờ mới có.

Còn cán bộ, công chức nếu làm đúng pháp luật, đúng quy định, không có tư lợi cá nhân thì chẳng có gì để sợ. Những người này sẽ luôn được xã hội trân trọng, được bảo vệ, biểu dương và khen thưởng. Chỉ người có sai phạm mà chưa bị “lộ” thì mới lo sợ, không biết khi nào cơ quan bảo vệ pháp luật hỏi đến; hoặc những người yếu kém về năng lực mới lo sợ, không dám làm gì.

Cần một nghị quyết Quốc hội
về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung

Theo tôi, Chính phủ nên xem xét trình Quốc hội ban hành một nghị quyết về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung. Bởi quy định trách nhiệm của một số cơ quan như tòa án, VKS vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, cần phải được quy định, điều chỉnh bằng nghị quyết của Quốc hội. Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thì Chính phủ mới hướng dẫn hoặc quy định chi tiết.

TS TRẦN ANH TUẤN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản chí”, “chùn bước”, sợ sai, không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”.

Một góc độ khác, một cái đáng sợ nữa là mình làm mà không biết rằng mình làm đúng hay là sai? Vì để biết được đúng hay sai thì phải có kiến thức, có trình độ.

Những người không làm gì cả để giữ an toàn thì họ quên mất rằng họ vào công chức để làm việc và nhận lương. Không làm việc để an toàn mà vẫn hằng tháng hưởng lương do nhân dân đóng thuế trả thì có xấu hổ không?

Những cán bộ như vậy, tôi nghĩ không cần chờ đứng trước hội đồng kỷ luật hay HĐXX, sẽ đến lúc họ đứng trước hội đồng của lương tâm, của danh dự nghe phán xét. Những người như vậy nên đưa ngay vào diện tinh giản biên chế hoặc giải quyết cho thôi việc để tuyển chọn những người xứng đáng tham gia vào công vụ.

Nhân nói về vấn đề này, tôi thấy bên cạnh tiếp tục thực hiện phòng, chống tham nhũng vẫn cần triển khai xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế. Theo đúng tư tưởng của Bác Hồ, xây và chống phải đi đôi với nhau, “muốn diệt cỏ dại thì phải trồng nhiều hoa”.

Công việc “không chạy” có trách nhiệm người đứng đầu

Tôi cho rằng hiện đang có bốn trở ngại lớn trong việc khuyến khích, thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Thứ nhất, do có một bộ phận cán bộ ý thức trách nhiệm kém, kiến thức và năng lực hạn chế, làm gì cũng sợ sai nên không dám làm, không dám quyết.

Thứ hai, do hệ thống pháp quy và cơ chế phối hợp công tác của chúng ta chưa thống nhất và đồng bộ. Từ đó, dẫn đến sự đùn đẩy, né tránh, không dám quyết đáp, khi xảy ra hậu quả khó quy trách nhiệm.

Thứ ba, bên cạnh việc xử lý các sai phạm thì hiện chúng ta chưa có quy định để bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Thứ tư, người ta vẫn nói “cán bộ nào, phong trào ấy”. Vì vậy, khi cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám tham mưu, không dám đề xuất, không dám làm, dám quyết… nghĩa là công việc “không chạy”, để tồn đọng thì rõ ràng có trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó, nếu không khắc phục được cần phải xem xét trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu.

TS TRẦN ANH TUẤN

Ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ là rất cần thiết

. Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo ông, một văn bản ở tầm nghị định liệu đã đủ để hóa giải vấn đề này của cán bộ?

+ Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy cán bộ, công chức đang gặp khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong thực thi công vụ do một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong quá trình này lại chưa có quy định về khuyến khích, bảo vệ để cán bộ, công chức tự tin, yên tâm phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo; dễ bị xử lý kỷ luật, xử lý pháp luật khi có vi phạm, thiếu sót trong quá trình họ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Kết luận 21 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định: “Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.

Từ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn như vậy, việc ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ là rất cần thiết.

Qua đó, sẽ tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn tận tâm, nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cần bảo đảm năm nguyên tắc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cần bảo đảm năm nguyên tắc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

. Để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, theo ông, cần những nguyên tắc và chính sách như thế nào?

+ Tôi cho rằng việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cần bảo đảm năm nguyên tắc.

Thứ nhất, phải bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và phù hợp với Hiến pháp 2013; việc triển khai phải đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và điều kiện quy định. Thứ hai, phải bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch.

Thứ ba, chỉ thực hiện đối với các hoạt động đổi mới, sáng tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm.

Thứ tư, chỉ khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong các hoạt động nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt của cơ chế, chính sách chưa được pháp luật quy định hoặc có nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn.

Thứ năm, cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nếu có sai phạm hoặc thiếu sót được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Trên cơ sở này, chính sách khuyến khích đối với cán bộ năng động, sáng tạo có thể được thực hiện thông qua biểu dương, tuyên dương, khen thưởng vượt cấp, đột xuất, không phụ thuộc vào tiêu chí, thời gian… Được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đặc cách thăng hạng, nâng ngạch, nâng lương; cho đào tạo, bồi dưỡng; được đặc cách đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý…

Đi liền với chính sách khuyến khích là chính sách bảo vệ. Các biện pháp bảo vệ sẽ bao gồm miễn hoặc giảm nhẹ trong xem xét kỷ luật, xử lý hình sự; miễn hoặc giảm trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước các khoản thiệt hại do thực hiện đổi mới, sáng tạo…

. Xin cám ơn ông.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Kỷ luật hành chính phải được áp dụng quyết liệt

Để hóa giải nỗi sợ sai thì cần đảm bảo an toàn pháp lý trong thực tiễn. Tôi cho rằng chúng ta cần nhanh chóng thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nếu TP.HCM xin làm thí điểm (chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm - PV) thì nên cho TP.HCM thử nghiệm trước. Một dân tộc dám thử nghiệm, có cơ chế thử nghiệm sẽ giúp dân tộc phát triển.

TS Nguyễn Sỹ Dũng

TS Nguyễn Sỹ Dũng

Cùng với đó, kỷ luật hành chính phải được áp dụng quyết liệt; không có kiểu làm cũng được không làm cũng được.

Về dài hạn, nên cắt bỏ các thủ tục, các điều kiện không hợp lý. Cái nào vướng, ách tắc thì nên bỏ ngay. Dài hạn hơn nữa, cần tiếp tục điều chỉnh các quy định của pháp luật để có nền hành chính công vụ chuyên nghiệp.

Phải có được người tài, phải cầu người tài. Phải nói rất rõ hành chính công vụ phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Áp lực công việc tạo nên người tài.

PGS-TS LÊ VĂN CƯỜNG, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Kết hợp pháp trị với đức trị

Hiện nay, sự dấn thân của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn yếu. Để hóa giải nỗi sợ sai, tôi cho rằng cần kết hợp pháp trị với đức trị.

PGS.TS Lê Văn Cường

PGS.TS Lê Văn Cường

Pháp trị là lấp đầy khoảng trống pháp luật, bởi không có quy định của pháp luật thì hôm nay tưởng đúng mai lại sai, dễ đứng trước “vành móng ngựa”. Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng có quy định về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Quy định của trung ương cũng được cụ thể hóa thêm về bảo vệ người tố giác. Bởi hiện nay có tình trạng “đấu tranh, tránh đâu”, “được vạ má sưng”.

Tôi được biết chúng ta cũng đang nghiên cứu xây dựng quy định xin lỗi và phục hồi quyền lợi khi tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Vấn đề này cần thiết nhưng khó, có quyền lợi không phục hồi được.

Còn đức trị là cần nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Người thủ trưởng trong sạch, nêu gương tốt thì cấp dưới khó mà dám làm sai.

ThS LÝ NGỌC YẾN NHI, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM:

Đề cao vai trò người đứng đầu

Theo tôi, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mỗi cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng.

ThS Lý Ngọc Yến Nhi

ThS Lý Ngọc Yến Nhi

Trong thực tế, những trường hợp dám nghĩ nhưng chưa dám làm đa phần do yếu tố chủ quan. Ngại va chạm, ngại đổi mới, ngại dư luận xã hội hay những nhận xét, đánh giá từ cộng đồng… Đôi khi có những đề xuất chưa nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của lãnh đạo cũng rất dễ khiến họ nản lòng và không phát huy được tinh thần đó.

Để khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm thì người đứng đầu phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm trước. Phải trân trọng những nhân tố có ý tưởng mang tính đổi mới, sáng tạo và bảo vệ để mọi người tin tưởng, tự tin, dám nghĩ, dám làm.

ĐỨC MINH - VÕ THƠ

(*) Ý kiến của TS Nguyễn Sĩ Dũng và PGS-TS Lê Văn Cường được phát biểu tại tọa đàm Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, do báo Tiền Phong tổ chức ngày 26-4.

Đọc thêm