Cổ đông Hòa Phát 'truy' dự án thép Dung Quất

Đây là những câu hỏi của các cổ đông đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) diễn ra vào sáng 10-3 tại Hà Nội.

Đại hội đồng cổ đông năm 2017 của HPG nóng lên với vấn đề xin ý kiến đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất Giang thép Hòa Phát Dung Quất. Hội trường tổ chức đại hội không còn chỗ trống, phần lớn thời gian thảo luận, hỏi đáp đều xoay quanh chuyện đầu tư nhà máy thép ở Dung Quất: hiệu quả đầu tư, thời gian hoàn vốn, công nghệ và xử lý môi trường ra sao. Đặc biệt, có cổ đông đặt thẳng câu hỏi: Công nghệ sản xuất của nhà máy thép Dung Quất có khác gì với Nhà máy thép Hòa Phát Hải Dương và Formosa, Hà Tĩnh.

Trả lời những băn khoăn của cổ đông, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG, cho biết dự án thép Dung Quất không phải dự án mới mà bản chất là kế thừa dự án của nước ngoài được phê duyệt từ 11 năm trước. Do một số yếu tố khách quan nên chủ đầu tư nước ngoài đã quyết định rút khỏi dự án. “Việc nhà đầu tư ngoại rút khỏi dự án là quyết định không hề dễ dàng, bản thân họ cũng đã cân nhắc rất kỹ, đến tháng 9-2016 mọi việc mới được quyết định” - ông Long nói.

Theo ông Long, HPG quyết định đầu tư dự án Dung Quất nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn đến năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay khiến HPG không thể cưỡng lại được, nếu đứng lại là chết.

Chủ tịch HPG Trần Đình Long trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: TP

Về vấn đề môi trường, ông Long khẳng định công nghệ sản xuất ở thép Dung Quất khác biệt cơ bản so với Formosa, nhất là về công nghệ than cốc. Theo đó, Formosa sử dụng phương pháp thu hồi hóa chất trong khi Hòa Phát thu hồi nhiệt. “Formosa là tập đoàn lớn, vốn hóa hơn 60 tỉ USD nhưng họ không phải là tập đoàn về thép, họ là tập đoàn về hóa chất. Hòa Phát tuy nhỏ nhưng chúng tôi có kinh nghiệm 10 năm làm thép tại Hải Dương” - vị này nhấn mạnh.

Ông Long cũng dẫn chứng câu chuyện: “Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã âm thầm ra gặp lãnh đạo tỉnh Hải Dương để thăm dò ý kiến lãnh đạo tại đây về dự án thép của HPG. Khi lãnh đạo tỉnh Hải Dương chia sẻ và lãnh đạo Quảng Ngãi an tâm thì họ mới quyết định để Hòa Phát vào đầu tư. Chuyện này sau khi có quyết định của Thủ tướng họ mới tiết lộ cho tôi hay.”

Người đứng đầu HPG cũng khẳng định coi môi trường là số một khi làm dự án thép. “Chính phủ có thể thương ta nhưng người dân không thương; cơ ngơi chúng ta dựng lên không thể làm liều. Hòa Phát sẽ dành 25-30% kinh phí cho vấn đề môi trường. Chúng ta phải tự bảo vệ chúng ta trước khi có ai bảo vệ. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối vì cộng đồng” - ông Long nói.

Về hiệu quả kinh tế, lãnh đạo HPG cho rằng khu kinh tế Dung Quất có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, có cảng biển, gần sân bay, chu trình khép kín tối ưu hóa chi phí, thuận tiện trong giao thương hàng hóa ba miền.

Khu liên hợp sản xuất Giang thép Hòa Phát Dung Quất ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư 52.000 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 có công suất 2 triệu tấn thép dài và giai đoạn 2 có công suất 2 triệu thép dẹt. Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 2-2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Năm 2016, HPG đạt doanh thu 40.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế kế hoạch 6.000 tỉ đồng và  lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 5.996 tỉ đồng.

Trong hai tháng đầu năm 2017, HPG đạt lợi nhuận sau thuế 1.200 tỉ đồng. Dự kiến quý I đạt lợi nhuận không dưới 1.800 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm