Ngày 22-5, BSCK1 Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP.HCM), giảng viên bộ môn hồi sức cấp cứu ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết ngày 18-5, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 25 tuổi trong tình trạng sốc phản vệ nguy kịch, tổn thương phổi nặng.
Ngay lập tức, BV đã đặt máy ECMO hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể để cứu bệnh nhân. Sau bốn ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân hiện tiến triển tốt, được rút ống nội khí quản, tự thở ô xy và có thể nói chuyện được.
Khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết nữ bệnh nhân đi làm ca chiều nên đem theo thức ăn có món cá ngừ để ăn.
15 phút sau khi ăn cá, cơ thể cô nổi mẩn ngứa, phát ban toàn thân, khó thở, tụt huyết áp nên được đưa đến một BV ở Đồng Nai. Tại đây, đánh giá bệnh nhân bị sốc phản vệ nên BV đã cấp cứu tại chỗ theo phác đồ. Do tình trạng nặng kèm theo tổn thương phổi nặng nên sau đó bệnh nhân được đưa đến BV Chợ Rẫy.
Tại BV Chợ Rẫy, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng rất nặng, trào bọt hồng, sốc phản vệ phức tạp nên đặt máy hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân do phổi không thể trao đổi ô xy được nữa. Bệnh nhân có tiền căn dị ứng nhiều thứ, từng bị hen suyễn lúc nhỏ, nghi ngờ sau khi ăn cá ngừ thì bị dị ứng và rơi vào tình trạng sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng nặng.
BS Đại khuyến cáo người từng có cơ địa dị ứng trước đó hoặc đã từng dị ứng với một trong những loại thức ăn như tôm, cá biển thì trước khi ăn nên cẩn thận. Có trường hợp dị ứng nổi phát ban rồi hết nhưng cũng có trường hợp lâm vào sốc phản vệ, tụt huyết áp, diễn tiến rất nhanh, không lường trước được.
Cạnh đó, nếu sau khi ăn, cơ thể nổi ngứa, phát ban mà có cơ địa dị ứng sẵn thì nên vào BV theo dõi. Cẩn thận khi ăn những thức ăn dễ dị ứng vì có nhiều kháng nguyên lạ như hải sản từ biển, một số loài cá, thức ăn lạ như nhộng tằm...
Để biết cơ thể dị ứng loại thức ăn nào, có thể đi khám ở phòng khám dị ứng tìm nguyên nhân gây dị ứng để tránh.