Cô giáo có biệt tài dạy địa lý bằng thơ, vè

(PLO)- Để tiết học thêm thú vị, cô Lê Thị Thu Ngân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn (TP.HCM), đã dạy địa lý bằng thơ, vè tự sáng tác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Nghe vẻ, nghe vè thiên nhiên nước Việt. Miền Bắc lạnh giá bởi gió mùa đông. Được núi cánh cung đón vào sâu thẳm. Vào Nam gió giảm do lãnh thổ dài. Bạch Mã nằm ngay giữa chừng chắn gió. Nên miền Nam đó quanh năm nóng vừa. Khí hậu gió mùa - cận xích đạo nhé. Biên độ nhiệt bé, nhiệt độ quanh năm…”. Tiết học địa lý của lớp 12A15 trở nên sôi nổi khi học sinh (HS) chia nhóm đọc bài vè Thiên nhiên phân hóa khí hậu ở nước ta.

“Học địa lý bằng thơ, vè thật thú vị”

5 phút sau, cô Thu Ngân kiểm tra bài cũ qua trò chơi trả lời câu hỏi khá sôi nổi. Tên HS được khắc trên một tấm thẻ, cô bốc trúng thẻ nào HS có tên sẽ trả bài.

“Tối hôm trước tôi đã gửi bài vè do mình sáng tác có liên quan đến nội dung bài học để các em nghiên cứu. Bài vè tóm gọn kiến thức của bài học hôm nay giúp HS dễ nhớ, dễ hiểu” - cô Ngân chia sẻ.

Em Bùi Thanh Vy cho biết phương pháp dạy địa lý bằng thơ của cô Thu Ngân rất độc đáo khiến HS thích thú, tiết học tưởng chừng khô khan trở nên sinh động hơn.

dạy địa lý bằng thơ
Cô Lê Thị Thu Ngân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, đang hướng dẫn bài cho học sinh, cô có cách dạy địa lý bằng thơ khá thú vị. Ảnh: TRƯƠNG VÕ NGỌC CHÂU

“Kiến thức địa lý nhiều, dễ bị rối nên khi cô chuyển qua thơ, vè chúng em tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu. Điểm số của em nhờ vậy đã cải thiện rõ rệt” - Thanh Vy tâm sự.

Thanh Vy cho hay em ấn tượng nhất là bài thơ Nhận dạng biểu đồ của cô Thu Ngân vì có nhịp dễ nhớ, mỗi khổ thơ là một nội dung riêng biệt. Phần nhận dạng biểu đồ chiếm khá nhiều điểm trong bài thi và khi đã thuộc thơ HS không bao giờ sợ nhầm lẫn.

Có ba dạng kiến thức thường được cô Thu Ngân chuyển qua thơ, vè để HS dễ nhớ, dễ phân biệt là kiến thức khó, kiến thức dễ lẫn lộn và những kiến thức quá “khô khan”.

Nói rồi Thanh Vy cao hứng đọc: Mùa thi gõ cửa mất rồi. Biểu đồ nhiều dạng ôi thôi rối bời. Lo gì, ngồi đó thảnh thơi. Tròn, miền, đường, cột, cả đôi cột - đường. Chỉ cần vài nét sương sương. Là phân biệt được tỏ tường chắc luôn. Tròn - “cơ cấu”, “tốc độ” - đường. Cột - giá trị thực, miền - tương đương tròn!

Em Nguyễn Trọng Hoàng Tú, HS lớp 12, cũng vui vẻ khoe: “Cách dạy địa lý bằng thơ của cô Thu Ngân khá hiệu quả vì vừa giúp HS nắm bắt kiến thức nhanh lại nhớ bài lâu. Em được học môn địa lý với cô từ năm lớp 10, nhờ bài Nhận dạng biểu đồ cô dạy mà em làm bài tập địa lý đều tốt”.

Dạy học bằng thơ HS nhớ bài lâu hơn

Nói về phương pháp dạy địa lý bằng thơ, vè, truyện rất được nhiều HS yêu thích những năm qua, cô Thu Ngân cười rất tươi: “Đó là sự tình cờ thú vị!”.

“Năm 2019 tôi tham gia vào nhóm giáo viên địa lý trẻ, yêu nghề. Một hôm, trưởng nhóm tổ chức phong trào sáng tác thơ về môn địa, thấy vui nên tôi tập làm thơ rồi chia sẻ lên nhóm. Mọi người đọc thơ, góp ý và động viên nên dần dần tôi yêu thích, theo đuổi tới giờ” - cô Thu Ngân nói tiếp.

Những năm qua, cô Thu Ngân đã viết rất nhiều bài thơ, vè, thậm chí cả truyện để dạy học. Bài thơ đầu tiên cô viết là về các con sông nhưng bài cô ấn tượng nhất lại là Hành trình những giọt nước.

“Bài thơ này tôi dùng khi ôn tập cho HS giỏi, vừa đọc thơ vừa vẽ vòng tuần hoàn của nước. Bài thơ vừa kết thúc cũng là lúc hoàn thành vòng tuần hoàn. Chuyển tải khối lượng kiến thức rất nhiều qua các câu thơ ngắn sẽ giúp HS dễ nhớ, dễ thuộc bài hơn chỉ là dạy “chay” các kiến thức từ sách vở” - cô Thu Ngân cho hay.

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, cho biết trường luôn ủng hộ các giáo viên có sự đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. Hiện chương trình học đang hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất của HS, cách dạy địa lý bằng thơ như cô Thu Ngân sẽ giúp kiến thức đến dễ dàng và ở lại với HS lâu hơn.

“Cô Thu Ngân là một giáo viên rất năng động, luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học. Chính sự đổi mới tích cực này đã làm cho giờ học trở nên nhẹ nhàng hơn, thú vị với cả thầy và trò” - bà Mai nhận xét.

Cô Ngân là giáo viên trẻ, tâm huyết với nghề, có tâm hồn thơ ca phong phú. Vì vậy cô đã tự sáng tác ra nhiều bài thơ hay để phục vụ cho giảng dạy, đem lại giờ học lý thú cho HS, được nhiều đồng nghiệp áp dụng làm theo.

Là giáo viên địa lý nên có thể chuyên môn về thơ, gieo vần, gieo điệu chưa hoàn chỉnh, tuy vậy các bài thơ của cô đã truyền tải khá đầy đủ, mạch lạc các nội dung theo từng chủ đề. Cách làm này giúp truyền tải kiến thức đến HS rất hiệu quả. Thực tế, không phải giáo viên địa lý nào cũng có thể sáng tác thơ để áp dụng vào giảng dạy như cô.

VÕ THỊ KIM HIỆP, nguyên giáo viên
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm