TP.HCM lần đầu đón tình nguyện viên Chương trình Hoà bình đến dạy học

(PLO)- Việc đón tình nguyện viên Chương trình Hoà bình đến giảng dạy tại TP.HCM nhằm nhấn mạnh cam kết hợp tác giáo dục đã được nêu trong Tuyên bố chung khi Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-12, chín tình nguyện viên Hoa Kỳ thuộc Chương trình Hoà bình (Peace Corps) làm lễ tuyên thệ với cam kết cống hiến hai năm giảng dạy tiếng Anh tại các trường THPT trên địa bàn TP.HCM.

Việc đón chín tình nguyện viên thuộc Chương trình Hoà bình đến giảng dạy tại TP đã thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Chương trình Hoà bình với Bộ GD&ĐT và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM.

Hoạt động này nhằm nhấn mạnh cam kết hợp tác giáo dục đã được nêu trong Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước khi nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên thành Đối tác chiến lược toàn diện.

chuong-trinh-hoa-binh-1-711.jpg
Các tình nguyện viên Chương trình Hoà bình tuyên thệ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Là một trong chín tình nguyện viên đến giảng dạy tại TP.HCM, Alex cho biết bản thân rất hào hứng khi bắt đầu một hành trình mới, khám phá đất nước, con người Việt Nam.

“Chương trình Hòa bình là cơ hội đặc biệt với tôi, bên cạnh việc dạy tiếng Anh thì đây còn là dịp để tôi kết bạn, xây dựng cộng đồng học hỏi lẫn nhau ở Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ có chuyến đi tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi tại đất nước này. Nước Việt đẹp quá, con người Việt thật tuyệt vời” - Alex phấn khởi.

Scott, một tình nguyện viên khác, cho biết bản thân trước đây cũng là giáo viên THPT tại Hoa Kỳ. Khi đến tuổi nghỉ hưu, Scott quyết định đến Việt Nam làm công tác tình nguyện cũng như cho bản thân một trải nghiệm mới.

“Tôi rất hào hứng khi đến Việt Nam thực hiện công tác tình nguyện. Qua công việc này, tôi hy vọng sẽ chia sẻ được các kỹ năng đến học sinh Việt Nam, cũng như tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ” - Scott nói.

chuong-trinh-hoa-binh-2-7154.jpg
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT gõ chiêng chào mừng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mikel Herrington, Giám đốc Quốc gia Chương trình Hoà bình, gửi lời cảm ơn các đối tác, bộ, ban ngành Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ trong công tác đưa chín tình nguyện viên đến giảng dạy tại TP.HCM.

“Đó là minh chứng cho sức mạnh công tác ngoại giao và tầm nhìn chung về một thế giới hoà bình” - ông Mikel Herrington khẳng định.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, cũng gửi lời tri ân, cảm ơn sự dấn thân của các tình nguyện viên. Theo ông, dù ngày nay có rất nhiều phần mềm dịch tự động nhưng việc dạy và học ngôn ngữ là một điều rất khác biệt.

“Dạy ngôn ngữ còn là cách để chia sẻ văn hoá các quốc gia với nhau. Đây không chỉ là một chương mới của Chương trình Hoà bình mà còn là khởi đầu câu chuyện của bản thân các tình nguyện viên”- ông Dũng nhìn nhận.

Chương trình Hoà Bình
Các tình nguyện viên chụp hình lưu niệm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, các tình nguyện viên Chương trình Hòa bình là biểu tượng có thể thấy được của sự hợp tác ngày càng phát triển giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.

“Việc này thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và giao lưu văn hóa giữa hai địa phương. Hành trình của các tình nguyện viên củng cố một tương lai tươi sáng cho cả hai quốc gia” - bà Susan Burns nói.

Sau buổi lễ tuyên thệ, các tình nguyện viên sẽ bắt đầu công tác tại các trường THPT trên địa bàn TP.HCM cùng với giáo viên và học sinh bản ngữ.

Khóa tình nguyện viên mới này nâng tổng số tình nguyện viên ở Việt Nam lên 18 người. Trước đó, Chương trình Hòa bình có chín tình nguyện viên đang công tác tại Hà Nội.

Chương trình Hoà bình là cơ quan độc lập thuộc ngành hành pháp của Chính phủ Hoa Kỳ. Kể từ khi thành lập vào năm 1961, chương trình đã có hơn 240.000 tình nguyện viên là công dân Hoa Kỳ phục vụ tại 142 quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia thứ 143.

Sứ mệnh của Chương trình Hoà bình là thúc đẩy hoà bình, hữu nghị trên thế giới thông qua ba mục tiêu. Cụ thể, hợp tác với quốc gia có nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy, tăng cường hiểu biết của người dân nước sở tại về Hoa Kỳ và ngược lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm