Sáng 17-11, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2023) và trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. Giải thưởng có sự đồng hành của Báo Sài Gòn Giải Phóng.
“Tôi bất ngờ khi bị trẻ tát lúc đang dạy”
Tại buổi giao lưu, nhiều người thổn thức khi lắng nghe cô Võ Thị Tuyết, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật chia sẻ về công việc của mình.
Ban đầu cô là giáo viên dạy văn bậc THPT nhưng đến năm 1997, một cơ duyên tình cờ đã khiến cô được làm việc với trẻ khuyết tật.
Lúc đầu đến với công việc cô vui mừng, bỡ ngỡ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do không được đào tạo về chuyên môn. Vì thế, cô phải học hỏi rất nhiều.
“Công việc của tôi là can thiệp sớm 1-1, 1 cô giáo 1 học trò cùng với 1 phụ huynh. Có những con đang ngồi học rất vui vẻ nhưng tự nhiên đưa tay tát vào mặt tôi. Con tát lần 1 chắc chắn sẽ có lần 2 và nhiều lần khác nữa. Hành vi này sẽ lặp đi lặp lại” - cô Tuyết nói.
Thấu hiểu hành động trên nên khi thấy con giơ tay lên muốn tát, cô yêu cầu con phải nhìn cô. Khi đó, cô nắm tay con nhẹ nhàng, đưa tay con sờ lên mặt cô.
“Con thích cô lắm đúng không? Cái mặt cô nè, mũi cô nè dễ thương đúng không? Nghe lời tôi nói, ánh mắt con nhìn không còn hoảng hốt. Tôi lại nắm tay con chỉ vào khuôn mặt, từ từ chỉ và nói đây là đôi mắt của con, cái miệng con, cái gì cũng đều dễ thương. Điều đó khiến con thay đổi” - cô Tuyết nhớ lại.
Trăn trở lớn nhất của cô Tuyết làm sao để phụ huynh chấp nhận việc con mình bị khuyết tật để hiểu và đồng hành cùng cô trong việc dạy dỗ.
“Sau giờ học tôi đều dành 15 phút để trò chuyện với phụ huynh. Có phụ huynh nói hành vi bé tát vào mặt người khác là chuyện cơm bữa ở nhà. Tôi nói với chị ấy trẻ tát có nghĩa trẻ muốn nói điều gì đó. Mọi hành vi dù có tiêu cực đến đâu nhưng bên trong vẫn hàm chứa một điều tích cực. Ba mẹ hãy đồng hành sẽ thấu hiểu con” - cô Tuyết bộc bạch.
Để dạy được trẻ khuyết tật, ngoài công tác chuyên môn, cô Tuyết cho rằng cần phải có lòng yêu nghề, sự nhẫn nại, bao dung và thấu cảm. “Tôi đã cố gắng rất nhiều để nghe được tiếng nói của trẻ dù các con không thể hiện bằng ngôn ngữ lời nói mà qua hành động cơ thể. Vì thế tôi mong rằng nếu cha mẹ yêu thương, đồng hành trẻ sẽ phát triển” - cô Tuyết chia sẻ thêm.
Cháy hết mình với ngọn lửa đam mê
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM chúc mừng và biểu dương 50 thầy, cô giáo được vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Đồng thời, chúc mừng toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục thành phố đã và đang nỗ lực, phấn đấu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước.
Theo Phó Bí thư Thành uỷ, thầy, cô giáo là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với ngành giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.
"Đối với các thầy, cô giáo đạt Giải thưởng Võ Trường Toản, lãnh đạo TP mong tiếp tục cháy hết mình với ngọn lửa đam mê, cống hiến cho nghề; là những tấm gương sáng "gạn đục khơi trong", lan tỏa lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trên bục giảng, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau tiếp bước", bà Lệ nhắn nhủ.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, lãnh đạo TP mong mỗi thầy, cô giáo tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", không ngừng trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tích cực học tập, tiên phong trong các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ dẫu đâu đó ngoài kia còn một vài câu chuyện, mẩu tin làm nhói lòng những nhà giáo chân chính, nhưng không làm nhòe đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy, bởi giá trị ấy đã được hình thành từ truyền thống cao đẹp của dân tộc.
Ngày 20-11 hàng năm là ngày tôn vinh nhà giáo. “Sự tôn vinh ấy thể hiện ở niềm tin của toàn xã hội đối với các thầy, cô giáo. Niềm tin ấy đòi hỏi mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành không ngừng phấn đấu rèn luyện ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.
Bật khóc khi nghe cô giáo một tay chia sẻ
Sau khi nghe những lời chia sẻ của cô Võ Thị Tuyết, Kỳ Mỹ, học sinh Trường THCS Phú Thọ, quận 11 đã tìm đến gặp cô chỉ mong được chụp ảnh và gửi lời chúc mừng đến cô.
“Em rất xúc động khi nghe chuyện nghề của cô. Dù không phải là học trò của cô nhưng em ngưỡng mộ, cảm phục bởi tấm lòng của cô đối với các em khuyết tật.