Hôm nay (17-11), Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.
Cô Võ Thị Mỹ Dung, giáo viên (GV) Trường Mầm non Anh Đào, quận Gò Vấp và cô Ngô Thị Thúy Loan, GV Trường THCS Phú Thọ, quận 11, là hai trong 50 nhà giáo đạt giải thưởng cao quý này.
“Con giỏi lắm đúng không cô!”
Tại Trường Mầm non Anh Đào (quận Gò Vấp), trong tiết học múa, học trò reo hò, mắt tròn xoe liên tục cổ vũ khi cô Dung múa với trang phục người con gái Tây Nguyên.
Tiếng nhạc kết thúc, trò chạy đến vây quanh cô. Bé lau mồ hôi, bé vuốt tóc, bé liếng thoắng bảo cô đi thay đồ kẻo nóng. Sự yêu thương, quan tâm giữa cô và trò khiến ai tham dự cũng cảm nhận được sự ấm áp.
“Các con chăm chú nhìn cô tập nhé!” - giọng cô cất lên dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng đủ để học sinh (HS) lắng nghe và thực hiện một cách nghiêm túc.
“Hôm nay tôi mới dạy trẻ học múa. Nhưng từ hôm qua trẻ đã được làm quen với âm nhạc, trang phục để kích thích cảm xúc về môn nghệ thuật. Khi trẻ được khơi gợi sẽ mong muốn được khám phá vì thế sẽ hợp tác với cô trong tiết học” - cô Dung chia sẻ.
Gần 17 năm theo nghề giáo, điều khiến cô Dung hạnh phúc là được thấy trẻ tiến bộ từng ngày. Cô Dung ấn tượng mãi với câu hỏi “Con giỏi lắm đúng không cô?” của một cậu bé năm học trước.
“Năm đó, cậu bé ấy rất cá tính. Con hiếu động, chọc phá bạn. Đa số GV đều than phiền về con. Vì thế, từ khi nhận lớp, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu con, qua đó từng bước dạy con nhưng mọi việc không dễ dàng. Con chỉ thay đổi khi được tôi giao nhiệm vụ trong dịp lễ 20-11. Tôi yêu cầu con đứng yên cầm bó hoa khi các bạn diễn. Tôi nhắc đi nhắc lại đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Nghe tôi nói, con tập trung cao độ. Sau hôm đó, thay vì đánh bạn, phá đồ khi không vừa ý, con tìm đến tôi thổ lộ. Dần dần con trở thành cậu bé biết quan tâm đến người khác, tích cực hỗ trợ tôi trong mọi hoạt động. Khi thấy tôi làm gì, con đều hỏi: “Cô đang làm gì đó để con phụ cho. Con giỏi mà đúng không cô?”” - cô Dung nhớ lại.
Chị Trần Thị Hiền, phụ huynh bé Linh Đan, bày tỏ: “May mắn và hạnh phúc khi con tôi được học cô. Chưa bao giờ tôi thấy cô lớn tiếng với trẻ, chỉ cần cô cất tiếng nói là các con nghe lời thực hiện. Cô toàn tâm, toàn ý với trẻ. Vì thế, con gái tôi ngày nào cũng thích đi học”.
Người mẹ hiền của HS hòa nhập
Tới Trường THCS Phú Thọ hỏi về cô Thúy Loan hầu như ai cũng biết. Không chỉ là một GV tận tâm, cô còn có biệt tài dạy dỗ HS đặc biệt.
“Nhờ cô dạy dỗ, con tôi tiến bộ theo từng ngày” - chị TK, một phụ huynh, chia sẻ.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, mỗi cá nhân chỉ được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản một lần trong quá trình công tác.
Con chị K bị ảo tưởng về tâm lý. Để gần gũi và dạy con là điều không dễ dàng với chị. “Thấu hiểu tình trạng của bé, cô Loan thường chia sẻ với tôi cách nắm bắt tâm lý của con. Cô còn dành thời gian trò chuyện với bé” - chị K bộc bạch.
Hơn 33 năm theo nghề giáo, nhiều “con thuyền” được cô chèo lái, bao thế hệ HS thành công nhờ sự dạy dỗ của cô. HS khiến cô nhớ nhất vẫn là những bé hòa nhập.
Có một học trò của cô tên XT, là HS hòa nhập. Em học bình thường nhưng mỗi khi làm bài kiểm tra đều vẽ hoa khắp nơi trên trang giấy. Nếu chiếu theo quy chế sẽ bị lỗi đánh dấu bài.
“Tôi phải giải thích cho em hiểu đồng thời hướng dẫn cách làm bài. Ngày thi đến, tôi nhờ một bạn thi cùng trường hỗ trợ em đến phòng thi, vào bàn thi. Kết quả kỳ thi khá bất ngờ, em được điểm 5 môn toán. Đến giờ hai mẹ con vẫn gọi điện thoại cho tôi” - cô Loan nhớ lại.
Dạy HS bình thường đã vất vả, dạy trẻ hòa nhập càng mệt gấp trăm lần. Bởi các em sẽ có những hành động bất thường. GV phải có sự thấu hiểu và phương pháp phù hợp.
“Tôi là mẹ đơn thân. Tôi có một đứa con bị tự kỷ nặng. Hành trình đồng hành cùng con đã giúp tôi có sự thấu cảm với các em” - đôi mắt cô Loan ứa lệ.
Để tạo sự thân thiện trong lớp học, giờ sinh hoạt chủ nhiệm của cô không hề khô khan. Mỗi tuần cô đều giao cho một nhóm tổ chức trò chơi khuấy động phong trào.
“Cô Loan rất gần gũi, chưa bao giờ cô la mắng dù đã có lần lớp khiến cô buồn” - Lìu Mỹ Phụng, HS lớp 9/1, tâm sự.
Bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, quận 11, cho hay nhiều năm liền cô Loan là tổ trưởng tổ toán đồng thời là GV chủ nhiệm lớp 9. Cô luôn tiên phong trong tất cả hoạt động. Dù cô có hoàn cảnh rất đặc biệt nhưng cô luôn chu toàn trong công việc. Dù lớn tuổi nhưng cô vẫn tích cực tham gia GV dạy giỏi và đạt giải.
Làm công tác chủ nhiệm, cô tận tâm, tìm hiểu hoàn cảnh từng em để có cách giáo dục phù hợp. Khi HS tiếp thu chậm, cô kèm cặp từng chút, ra đề nhẹ nhàng hơn. Cô luôn tạo môi trường thân thiện, hòa đồng trong lớp để trẻ hòa nhập tiến bộ.
Giải thưởng Võ Trường Toản là sáng kiến của báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với ngành giáo dục TP tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998, nhằm tôn vinh những người làm trong ngành giáo dục có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Giải thưởng được tổ chức vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) hằng năm.
Tên giải thưởng được lấy theo tên cụ Võ Trường Toản (1709-1792), một nhà giáo Việt Nam nổi tiếng “học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người” ở đất Gia Định vào thế kỷ 18.