Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định thông tin đăng trên một số tờ báo là không đúng. Đây là đề án mà Ngân hàng Xây dựng đứng ra đề nghị bốn ngân hàng thương mại nhà nước thì được hiểu sai là thành Bộ Xây dựng, vì thế gây hiểu lầm.
Các ngân hàng quốc doanh đồng lòng
. Phóng viên: Thưa ông, gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản trong thời gian tới thế nào?
+ TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI): Gói tín dụng này do Ngân hàng TMCP Xây dựng đề nghị bốn ngân hàng thương mại quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank liên minh hợp tác để hình thành gói cho vay bất động sản. Đây là gói tín dụng bất động sản bao gồm cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ở. Như vậy sẽ tạo ra chuỗi liên minh ngân hàng, nhà thầu xâu dựng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và khách hàng mua. Dự kiến gói tín dụng này là từ 75.000 tỉ đồng đến 100.000 tỉ đồng trở lên và sẽ được thực hiện trong vài ba năm.
. Gói tín dụng này đã được thống nhất giữa năm ngân hàng với nhau chưa, thưa ông?
+ Trước hết phải nói đây là động thái cho thấy các ngân hàng thương mại khá năng động. Dự án này đã được các ngân hàng thương mại quốc doanh hỗ trợ về mặt chủ trương. Và năm ngân hàng này đang xúc tiến để thực hiện sao cho nhanh chóng và hiệu quả. Gói tín dụng này vừa tài trợ được cho bất động sản, vừa cung ứng vật liệu xây dựng với chất lượng và giá cả ổn định, tin cậy và vừa làm tăng nhu cầu của bất động sản lên.
Gói tín dụng sắp tới sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2014 ấm dần lên. Ảnh: HTD
. Những ai có thể vay gói tín dụng này?
+ Gói tín dụng này phục vụ cho nhiều mục đích, trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà giá thấp. Đặc biệt bất cứ ai có nhà rồi thì dù nhà nhỏ hay nhà lớn, nhà trong phố nhỏ muốn xây lên vừa ở vừa cho thuê, hay có đất chưa có tiền xây… thì đều có thể vay.
. Theo ông, việc triển khai gói tín dụng này sẽ thực hiện như thế nào?
+ Để làm được được điều này cần phải có một nhà tổ chức để ráp nối các đơn vị liên quan với nhau. Đặc biệt là ráp nối giữa vốn, lẫn nguồn cung về vật liệu xây dựng… Có như thế mới tiết kiệm chi phí, đảm bảo lãi suất cho vay ổn định. Ví dụ một khách hàng vay khoảng 1 tỉ đồng xây nhà thì nhà tổ chức này sẽ kết nối như một dây chuyền khép kín cung cấp từ người cung cấp vật liệu xây dựng cho đến sản phẩm đầu ra. Khi khách hàng muốn mua gạch, thép thì ngân hàng sẽ chuyển thẳng tiền đến nhà cung cấp gạch, thép. Còn những khoản tiền như tiền nhân công thì ngân hàng giải ngân trực tiếp đến người đi vay. Làm như thế sẽ đảm bảo việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích, ngoài ra tiết kiệm cho người vay tiền chi phí mua vật liệu và đẩy nhanh được tiến độ xây dựng. Về mặt vĩ mô sẽ góp phần làm cho thị trường bất động sản ấm lên.
Thị trường bất động sản đã bắt đầu sôi động
. Gói tín dụng sắp tới sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2014 ấm hơn?
+ Đấy chỉ là một khía cạnh. Thực tế một số phân khúc thị trường bất động sản đã bắt đầu sôi động trở lại, mà chủ yếu là vấn đề thanh khoản. Thanh khoản ở đây là mua được, bán được, giao dịch được. Giá có chỗ tăng, có chỗ giảm. Chẳng hạn như ở TP.HCM có thể tăng một chút nhưng ở Hà Nội giá căn hộ có thể giảm một chút. Tất cả chuyện đó đều tốt. Thanh khoản thị trường này đang phục hồi dần dần ở những phân khúc thị trường như căn hộ giá hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Chưa kể, bản thân những người tiêu dùng lâu nay đang chờ giá thấp hơn nữa nhưng nghe tin thị trường phục hồi, họ bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư. Chỉ có điều hiện nay chúng ta đang thiếu công cụ tài chính hữu hiệu trong việc hỗ trợ dân chúng mua nhà, kích cầu về nhà ở.
. Ông có thể gợi ý rõ hơn về công cụ tài chính hữu hiệu?
+ Ví dụ: Cho vay mua nhà với thủ tục dễ dàng hơn, với lãi suất thấp và kỳ hạn dài. Ba yếu tố này làm tốt thì thị trường bất động sản sẽ phục hồi sớm. Bản thân gói 30.000 tỉ đồng là tốt nhưng hơn một năm rưỡi qua giải ngân chưa được 10%. Đấy là một trong những bằng chứng cho thấy cơ chế tín dụng dành cho nhà ở vẫn hạn chế.
. Xin cảm ơn ông.
YÊN TRANG thực hiện