Cô Hoa năm nay đã ngoài 70 tuổi, lớp học của cô cũng tồn tại hơn 20 năm. Cô Hoa chỉ dạy môn toán và tiếng Việt cho lớp 1, 2. Lớp 1 học từ 7 giờ đến 9 giờ, lớp 2 bắt đầu từ 9 giờ đến 10 giờ. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và dạy các em lớp 2 được kỹ hơn, cô Hoa thường cho lớp 2 vào học cùng lớp 1. Trong khi cô giảng bài cho lớp 1 thì lớp 2 sẽ được giao bài tập và tự ôn bài cũ.
Cô Hoa sửa bài tập cho các em sau mỗi buổi học. Ảnh: KHÁNH CHI
Có học trò từng bị cha mẹ bán giá... 15 triệu đồng
Lúc tôi bước vào lớp, không ai bảo ai, các em đều tự đứng dậy, khoanh tay chào: “Chúng em chào chị ạ!” với ánh mắt đầy niềm vui vẻ, lạc quan. Nhìn vào từng gương mặt ấy, không ai có thể ngờ rằng các em đều phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống.
Theo lời kể của cô Hoa, không một em nào trong lớp có được một gia đình hoàn thiện. Có em đã mất cha hoặc mẹ. Em thì sống trong cảnh cha mẹ bỏ nhà ra đi, phải sống với ông bà đã già, không còn khả năng lao động, sống qua ngày đã là điều rất khó khăn. Một em khác sống trong gia đình cha mẹ đã ly hôn, cha em tái hôn lần lượt với năm phụ nữ khác, trong nhà có đến năm anh chị em cùng cha khác mẹ. Có bé gái thì bị cha mẹ bán sang Campuchia với giá 15 triệu đồng, may mắn được họ hàng chuộc lại.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, các em đều hào hứng trả lời muốn trở thành cô giáo như cô Hoa, muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người.
Trong lớp có một học sinh nam tên Trần Thanh Hòa (14 tuổi), dáng cao cao, da trắng trẻo, mặt mũi sáng sủa. Tôi bắt chuyện thì em chỉ cười. Hỏi cô Hoa mới biết em bị rối loạn ngôn ngữ, lúc mới tới lớp em thậm chí không nói rõ được một tiếng nào.
Cô dạy em tập viết, làm toán. Đến nay em đã hiểu được mọi người nói gì, mọi người cũng hiểu những từ em muốn nói mặc dù giao tiếp vẫn khó khăn. Cô khen em học toán nhanh, chữ đẹp và sạch sẽ. Cuối buổi học, tôi cũng thấy nhiều em nhỏ hơn tới chỗ Hòa để nhờ Hòa chỉ bài.
Đến trưa, chị Thúy - mẹ của Hòa đến đón em. Nhìn thấy con trai từng bị nhiều trường tiểu học từ chối nhận học vì chứng rối loạn ngôn ngữ ngày nào, giờ đây đã tự tin giảng bài cho các em nhỏ tuổi hơn, chị không khỏi xúc động. Chị tâm sự: “Cô Hoa không chỉ dạy các cháu kiến thức mà còn dạy các cháu cách làm người. Tôi rất biết ơn cô, nếu không có cô, tôi không biết con mình sẽ như thế nào nữa”.
Trước đây cô Hoa cũng từng là cô giáo, dạy học tại nhiều nơi điều kiện kinh tế khó khăn. Hè năm 1999, cô xin trưởng khu phố mở lớp học tình thương vì “không thể để mấy đứa nhỏ không biết chữ”. Lớp học cũng chính là văn phòng của trụ sở khu phố Giãn Dân. Cô mượn phòng để dạy sau giờ hành chính.
Đến năm 2001, cô xin được tài trợ của mạnh thường quân xây lớp học, mua bàn ghế mới, đồng phục, cặp sách, sách vở và dụng cụ học tập cho các em.
Trong lớp có hai chị em cùng học chung lớp là Nguyễn Ngọc Thục Trinh (16 tuổi) và Nguyễn Tuấn Hưng (14 tuổi). Em Thục Trinh bị thoát vị màng não tủy nên việc học rất khó khăn. Tuấn Hưng cũng học chậm hơn mọi người nên cô Hoa luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các em.
Hằng ngày cô phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng và vệ sinh cá nhân cho chồng. Chồng của cô đã hơn 90 tuổi, sức khỏe kém. Quãng đường từ nhà cô đến lớp học dài hơn 10 km nhưng cô chưa đến lớp trễ lần nào. Cuối buổi học, cô kiểm tra vở bài tập và chỉ ra lỗi sai, sửa bài cho từng em học sinh rồi mới về nhà.
Dù bệnh vẫn cố gắng đến lớp
“Bây giờ lớn tuổi, nhiều hôm đau đầu, nhức chân tay lắm nhưng tôi vẫn cố gắng lên lớp. Sợ mình nghỉ một ngày là mấy chục con người cũng mất một ngày kiến thức. Học trò của tôi không ai có được một gia đình trọn vẹn. Ấy vậy mà tụi nhỏ vẫn luôn lạc quan, tiếng cười trong lớp học không bao giờ dứt”.
Thay đổi rất nhiều cuộc đời
Cô dắt tay tôi đi xuống lớp học, chỉ vào bức tường đầy những bức ảnh con trẻ. Cô chỉ lên tấm ảnh đen trắng xa nhất, kể đó là lứa học sinh đầu tiên của cô. Đã có người trở thành bác sĩ, giáo viên,… Rồi cô chỉ tới những bức ảnh mới hơn, chụp các em học sinh đang ngồi trong lớp.
Hồi còn khỏe, em nào nghỉ học một ngày cô cũng đến nhà hỏi thăm. Nhiều tổ chức thiện nguyện về trao quà, cũng chính cô mang về tận nhà cho từng em vắng lớp.
Đã có nhiều em sau khi học xong lớp của cô được học tiếp chương trình tiểu học, THCS, THPT, đại học. Nhưng cũng có nhiều em học mãi ở lớp cô đến sáu, bảy năm hoặc nghỉ học luôn vì điều kiện gia đình không cho phép các em học cao thêm nữa.
Chị Anh Thư (26 tuổi, quận 9, TP.HCM) học lớp của cô Hoa năm 1999-2000. Chị là một trong số những học sinh may mắn được học lên cao.
“Đối với mình, lớp học cô Hoa là cái nôi nuôi dưỡng ước mơ đến trường của những trẻ em nghèo. Cô đã thay đổi cuộc đời của nhiều bạn khác, nhờ có cô mà nhiều bạn biết chữ, tìm được việc làm nuôi sống bản thân. Lớp học cô Hoa là một kỷ niệm rất đẹp và đáng tự hào của bản thân mình. Em gái mình cũng học ở lớp của cô, hai chị em đều đậu đại học. Gia đình mình mang ơn cô lắm” - chị Thư nhiệt tình chia sẻ.
Em gái của chị là chị Kiều Diễm (24 tuổi, quận 9, TP.HCM), học lớp cô Hoa từ năm 2002. Sau khi học xong lớp cô Hoa, chị cũng hoàn thành xong chương trình THPT và thi đậu ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Đến nay, cả hai chị em đều đã ổn định cuộc sống và thường xuyên về thăm cô.
Chương trình giáo dục mới cũng khiến cô Hoa gặp nhiều vất vả trong giảng dạy. Lớp học cô Hoa may mắn được mạnh thường quân tài trợ sách giáo khoa mới, phục vụ cho công tác dạy và học của cô, trò.
Ông Hoàng Xuân Hồng, người đã gắn bó với lớp học nhiều năm, trước đây là trưởng khu phố Giãn Dân chia sẻ: “Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đổi sách mới, cô Hoa tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng tìm tòi, tận tâm giảng dạy cho các cháu. Đây là khu phố tập trung nhiều dân nhập cư về TP.HCM làm việc, nhiều con em không có điều kiện đi học chính quy. Cô Hoa đã dạy dỗ các cháu, nhiều cháu đã trưởng thành, thành công từ lớp cô Hoa”.
(PLO)- Sau sự việc lùm xùm về bữa ăn bán trú, phụ huynh trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, quận 9 đã tự bầu ra Ban đại diện cha mẹ học sinh trường mới vì theo họ ban đại diện trước đó chưa làm hết trách nhiệm.