TAND tỉnh Hòa Bình đang nghị án kéo dài và dự kiến ngày 19-6 tới tòa sẽ tuyên án đối với Hoàng Công Lương cùng bốn bị cáo khác trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong.
Diễn biến đáng chú ý nhất cho đến lúc này chính là việc Lương thay đổi kháng cáo từ kêu oang sang nhận tội, xin được giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Với những gì đã thấy trong suốt nhiều ngày xét xử vừa qua, liệu Hoàng Công Lương có cơ hội được hưởng án treo như bị cáo này mong muốn?
Bị cáo Hoàng Công Lương cùng chú ruột của mình là ông Hoàng Công Tình
Ghi nhận thêm tình tiết mới
Tại bản án sơ thẩm, TAND TP Hòa Bình nhận định Lương cẩu thả, làm việc theo thói quen nên đã ra y lệnh khi chưa có căn cứ chắc chắn nguồn nước dùng cho chạy thận đã đảm bảo chất lượng, dẫn đến hậu quả chết người. Việc truy tố bị cáo tội vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 BLHS năm 1999 là hoàn toàn đúng người, đúng tội.
Đáng chú ý, HĐXX cũng ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, đó là: sau khi xảy ra sự cố đã tích cực tham gia cấp cứu bệnh nhân, là người dân tộc thiểu số, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác và có cha ruột nhiều lần được khen thưởng. Do vậy, tòa áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm a, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999 (nay là điều 51 BLHS năm 2015 – PV) đối với bị cáo.
Tại tòa phúc thẩm, Lương không còn kêu oan mà nhận tội, mong muốn được hưởng án treo. Trong phần thủ tục phiên tòa, chủ tọa cho biết theo quy định, án treo chỉ áp dụng với người có hình phạt tù từ 36 tháng trở xuống. Do cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo 42 tháng tù nên HĐXX sẽ xem xét đối với phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tương tự, ở phần tranh luận, Lương là bị cáo duy nhất được đại diện VKS đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo: giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, đại diện VKS lại đề nghị tòa không cho Lương hưởng án treo.
Dù vậy, cơ quan công tố cũng ghi nhận việc Lương có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn so với phiên sơ thẩm. Điển hình, bị cáo đã nhận tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cung cấp chứng cứ mới là việc hỗ trợ bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân 5 triệu/người chết, 2 triệu/người bị thương, do đó có cơ sở áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p, điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999.
Ngoài ra, Lương cũng có các tình tiết giảm nhẹ khác được quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999, gồm: bác ruột hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, ông nội được tặng huân chương kháng chiến hạng Nhì và huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, bản thân bị cáo bị trầm cảm, con gái mắc bệnh hiểm nghèo, các gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại giai đoạn phúc thẩm, Hoàng Công Lương được ghi nhận có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Lương có đủ điều kiện để hưởng án treo
Luật sư (LS) Diệp Năng Bình, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng qua những diễn biến của phiên tòa trong nhiều ngày qua, có khá nhiều điều kiện để Hoàng Công Lương có thể được tòa xem xét cho hưởng án treo.
Cụ thể, bản án cấp sơ thẩm đã tuyên Lương 42 tháng tù về tội vô ý làm chết người, quá trình giải quyết vụ án bị cáo liên tục kêu oan. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, bị cáo đã nhận tội, điều này thể hiện sự thay đổi về nhận thức pháp luật của cựu bác sĩ này.
“Lương đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, đây sẽ được xem là tình tiết mới về người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải, là cơ sở để giảm trách nhiệm hình sự cho Lương” – LS Bình nói.
Ngoài ra, Lương cũng đã tích cực khắc phục hậu quả, được gia đình các bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, người thân có công với đất nước… Đây đều là những cơ sở để giảm nhẹ hình phạt cho Lương không quá 36 tháng tù.
Nếu Lương được giảm án như giả định, cùng với căn cứ theo Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng về án treo, Hoàng Công Lương có nhiều điều kiện để được áp dụng án treo.
Trong đó, bị cáo là người bị phạt tù không quá ba năm, phạm tội lần đầu, có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của BLHS...
Ngoài ra, Lương cũng có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục…
Đồng tình, một cựu thẩm phán TAND Tối cao nói thêm: "Đúng là hậu quả xảy ra rất đau lòng, số người qua đời quá lớn, song đó không chỉ do lỗi của Lương mà còn có một phần lỗi từ quy trình lọc thận chưa hoàn chỉnh. Điều này cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cũng đã chỉ ra và có kiến nghị Bộ Y tế có biện pháp khắc phục. Xét điều kiện, hoàn cảnh của Lương hiện thời, tôi nghĩ HĐXX hoàn toàn có thể cân nhắc, xem xét để cho Lương hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, cho Lương hưởng án treo để có điều kiện làm việc lo cho gia đình, cũng là để Lương sớm tiếp tục cống hiến cho ngành, cho xã hội".