Lời sau cùng 'tâm huyết' nhất của Hoàng Công Lương

Chiều 15-6, sau bốn ngày liên tiếp làm việc (kể cả thứ Bảy), thẩm phán Nguyễn Văn Vận, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, tuyên bố kết thúc phần tranh luận.

HĐXX cũng quyết định sẽ nghị án kéo dài, đồng thời cho các bị cáo nói lời sau cùng.

Hoàng Công Lương dành hơn 6 phút để nói lời sau cùng, trước khi HĐXX phúc thẩm vào nghị án và ra phán quyết đối với mình.

Hơn 6 phút “ruột gan”

Hai phiên tòa sơ thẩm, một phiên tòa phúc thẩm, đây là lần đầu tiên Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) dành rất nhiều thời gian để nói những lời “gan ruột”.

Còn nhớ, suốt giai đoạn sơ thẩm, Lương kêu oan. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo chỉ ngắn gọn khẳng định mình không có tội, chỉ là bác sĩ cứu chữa người bệnh chứ không thể đảm bảo nguồn nước chạy thận đã đảm bảo hay chưa.

Còn tại tòa hôm nay, Lương thay đổi kháng cáo, nhận tội và xin được giảm án, hưởng án treo. Trong lời sau cùng, Lương đã dành hơn 6 phút để nói rất nhiều về sự cố chạy thận, về nỗi mất mát của gia đình các nạn nhân, về hoàn cảnh gia đình cũng như sự thay đổi nhận thức của mình.

Cuối cùng, cựu bác sĩ mới bày tỏ nguyện vọng mong HĐXX giảm án, không cách ly mình ra khỏi xã hội để có cơ hội được làm người có ích, tiếp tục cống hiến cho ngành y.

Lương cũng gửi lời tri ân tới các cơ quan báo chí, những người đã ủng hộ mình trong suốt quá trình giải quyết vụ án; cảm ơn các luật sư, HĐXX...

Trước đó, Lương là người duy nhất được VKSND đồng ý chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, đề nghị HĐXX giảm án, tuyên phạt từ 36-39 tháng tù về tội Vô ý làm chết người. Dù vậy, đại diện VKS không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo này.

Còn ông Hoàng Văn Hướng (luật sư duy nhất bào chữa cho Lương) đưa ra rất nhiều căn cứ và tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX giảm hình phạt 42 tháng tù của tòa sơ thẩm xuống dưới 36 tháng tù, từ đó cho thân chủ của mình được hưởng án treo.

Cựu giám đốc BV Trương Quý Dương nhận trách nhiệm, gửi lời xin lỗi tới nhiều người.

Nhận trách nhiệm, xin lỗi

Tương tự, bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV) cũng thể hiện sự hối lỗi trong lời sau cùng của mình.

Cựu giám đốc thừa nhận với trách nhiệm của một con người, một thầy thuốc cống hiến, xin nhận trách nhiệm trước nhân dân và đặc biệt các nạn nhân xấu số, thân nhân của các nạn nhân.

“Xin lỗi anh chị em BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi tôi đã có già nửa cuộc đời gắn bó. Các bị cáo ngồi đây đều là anh em, đồng chí của tôi. Tôi đã không dẫn dắt, bảo vệ được anh em, đồng chí. Đặc biệt tôi muốn gửi lời xin lỗi anh Tuấn Anh và gia đình…” – ông Dương nói.

Theo bị cáo này, sự cố chạy thận ngày 29-5-2017 là mất mát quá lớn của gia đình người bệnh, của ngành y tế và nhân dân. Toàn bộ ngành y tế đã có sự cảnh tỉnh, tự nhìn lại mình, có quy trình về lọc máu…

"Đây là bài học của bị cáo, cũng là lời cảnh tỉnh cho xã hội và đồng nghiệp. Bị cáo mong muốn quý toà, nhân dân, công luận mở lòng đại lượng cho các đồng nghiệp để anh em còn cơ hội cống hiến", cựu giám đốc BV kết thúc.

Trong khi đó, bị cáo Đỗ Anh Tuấn (cựu giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) bày tỏ sự “đau đớn vì không thể chứng minh được mình vô tội”.

Bị cáo này cũng nói rất đau lòng khi chưa làm rõ được nguyên nhân dẫn tới cái chết của các nạn nhân, đồng thời mong HĐXX cho mình được hưởng mức án thấp nhất và không bị cách ly khỏi xã hội.

Tương tự, hai bị cáo còn lại là Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV) và Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư) cũng đề nghị HĐXX có mức án khoan hồng.

Bị cáo Khiếu cho hay sau khi xảy ra sự cố đã luôn nhận trách nhiệm thuộc về mình ở góc độ quản lý. Bản thân bị cáo đã công tác trong ngày y hơn 30 năm, mong muốn tiếp tục cống hiến cho nhân dân nếu như được hưởng án treo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm