Cơ hội với hiệp định lớn nhất thế giới Việt Nam vừa ký

Ngày 15-11, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết.

Hiệp định với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN.

Mở ra nhiều con đường cho doanh nghiệp Việt

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu nông sản sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore...), kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ giúp nhiều DN giảm bớt khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

“Những hiệp định như thế này sẽ mở ra nhiều con đường cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ sẽ có ưu thế để đi vào các thị trường thế giới” - bà Vy nhấn mạnh.

Với RCEP, hàng Việt Nam cũng sẽ phải chịu cạnh tranh gay gắt hơn ngay ở
thị trường nội địa. Trong ảnh: Khách hàng đang mua hàng tại siêu thị.
Ảnh: T.UYÊN

Theo đại diện Công ty Chánh Thu, đối với ngành nông nghiệp, vấn đề giảm thuế là quan trọng nhưng sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ để xuất khẩu nông sản cũng quan trọng không kém. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những cơ chế thuận lợi, mở ra những thị trường lớn hơn cho nông sản, nhất là việc liên kết, tạo nguồn cung ứng sản phẩm trong khối này” - lãnh đạo Công ty Chánh Thu chia sẻ.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho rằng khi hiệp định đi vào thực thi sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong giao thương giữa Việt Nam và các nước.

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang rất phức tạp. Nhiều nước vẫn tiến hành siết chặt hoặc đóng cửa biên giới, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu rau, quả của ta. Thế nhưng khi hiệp định này đi vào thực thi, với vị trí địa lý của các nước trong khối gần với Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi trong giao thương. Chưa kể hiện giờ công nghệ bảo quản của nước ta chưa mạnh nên nếu đẩy mạnh sang các thị trường gần với Việt Nam sẽ có lợi thế hơn rất nhiều” - ông Nguyên phân tích.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng việc các nước cam kết giảm thuế quan ở mức cao là thuận lợi để DN Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc... dễ dàng hơn. Đơn cử như với thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể nhân cơ hội này để mở rộng thêm nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch bên cạnh chín loại nông sản đã được mở cửa trước đó.

Thị trường 2,2 tỉ người tiêu dùng

Sau tám năm đàm phán, Hiệp định RCEP đã được 15 nước bao gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Úc, Trung Quốc và Hàn Quốc chính thức ký kết ngày 15-11.

Khi hiệp định đi vào thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới với tổng GDP gần 27.000 tỉ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Khi hiệp định này đi vào thực thi, các nước đối tác chào cho ta tỉ lệ tự do hóa thuế quan cao hơn ta chào cho các nước đối tác tương ứng. Cụ thể, Úc xóa bỏ 92%, New Zealand xóa bỏ 91,4%, Nhật Bản xóa bỏ 90,4%, Hàn Quốc xóa bỏ 90,7% và Trung Quốc xóa bỏ 90,7%.

Chỉ sử dụng một bộ quy tắc xuất xứ thay vì năm

RCEP thiết lập một khuôn khổ quy tắc xuất xứ chung, cho phép những nhà xuất khẩu trong các nền kinh tế RCEP sử dụng đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên khác để đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi khi giao dịch trong khối. Điều này sẽ cung cấp một nền tảng cho tự do hóa hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Đáng chú ý, DN sẽ chỉ phải sử dụng một bộ quy tắc xuất xứ thay vì năm bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các hiệp định tự do trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất. 

Thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định

Trao đổi về hiệp định này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá rằng thời điểm mà chúng ta ký kết RCEP là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. “Bởi vì vào thời điểm khi thế giới đang định vị, tổ chức lại các chuỗi cung ứng và các hoạt động đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch thì chúng ta có RCEP” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng, trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam. Qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.

Đồng thời, Hiệp định RCEP sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải cách của Việt Nam theo hướng tiến bộ, tích cực, nhất là môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được hoàn thiện hơn. Qua đó giúp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để thu hút đầu tư của nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, các DN lớn từ những nước trong RCEP cũng như các nước đối tác khác.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đánh giá với quy mô và tính đa dạng của thị trường từ Hiệp định RCEP, DN của Việt Nam và các nước có đủ điều kiện để tính toán, xây dựng lại những chiến lược kinh doanh của mình và tham gia vào chuỗi cung ứng cho các thị trường này. Ví dụ như các ngành công nghiệp sản xuất, ngành chế biến chế tạo như điện tử, may mặc, da giày… sẽ có những điều kiện thuận lợi để định vị và vận dụng được quy tắc xuất xứ, khai thác tốt các thị trường như Trung Quốc, Úc, Nhật Bản...

Loại bỏ thuế quan, hạn ngạch với nhiều hàng hóa

Theo tuyên bố của ASEAN, thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực. Trong khi đó, các thuế quan và hạn chế khác sẽ được tự do hóa trong vòng 20 năm tới, bao gồm trên 90% thương mại trong khối mặc dù vẫn duy trì một số loại thuế đối với các sản phẩm nhạy cảm.

Đáng chú ý, khi RCEP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 61% thuế đối với nông sản nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, Úc và New Zealand; 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc nhưng vẫn giữ nguyên thuế đối với một số nhóm hàng. Trong khi đó, các quốc gia khác sẽ cắt giảm 91,5% thuế đối với các hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản.

Đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định RCEP, chúng tôi đều tham vấn chặt chẽ các bộ, ngành liên quan và DN nhằm đạt được mục tiêu kết quả đàm phán phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam. Vì vậy, việc thực hiện hiệp định sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam.

“Chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các DN Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra” - bộ trưởng nói. 

Cơ hội với hiệp định lớn nhất thế giới Việt Nam vừa ký ảnh 2
Nông, thủy sản Việt có nhiều lợi thế khi RCEP chính thức có hiệu lực. 
Trong ảnh: Sơ chế thủy sản trước khi xuất khẩu. Ảnh: QH

Không chỉ có màu hồng

Bên cạnh cơ hội, Hiệp định RCEP có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Lý do là có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.

Ngoài ra, hiện đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế, cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Đặc biệt, nhiều DN lo ngại rằng khi thị trường nội địa phải mở theo RCEP, hàng hóa có cơ cấu sản phẩm tương tự sẽ tràn vào Việt Nam. Hàng Việt phải cạnh tranh trực diện với các mặt hàng nhập khẩu từ RCEP, đặc biệt từ Trung Quốc có lợi thế phong phú và giá rẻ.

Mặt khác, người Việt lại có tâm lý khá ưa chuộng hàng ngoại. Chính vì vậy, các sản phẩm đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... như bánh kẹo, mì gói, sữa, thực phẩm đông lạnh sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Do vậy, các DN Việt phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống cạnh tranh mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm