Sáng 8-11, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học: “Chứng cứ và chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự”.
Phát biểu khai mạc, TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của hội thảo lần này.
Theo TS Sơn, kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn thi hành cho thấy bên cạnh những điểm tiến bộ thì quy định của pháp luật Việt Nam về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự đã bộc lộ một số điểm hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, khái niệm chứng cứ chưa được diễn đạt một cách khoa học, không giúp phân biệt được giữa chứng cứ và nguồn của chứng cứ.
Ngoài ra, nguyên tắc loại trừ chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ thứ cấp (chứng cứ phái sinh) chưa được ghi nhận đầy đủ và rõ ràng. Cạnh đó, quy định về các loại nguồn chứng cứ, nhất là dữ liệu điện tử, còn khá sơ sài.
Trong khi đó, quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm của toà án gây nhiều tranh luận và quy định về các hoạt động chứng minh còn nhiều vấn đề chưa hoàn thiện.
“Đây là một phần nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và thiếu thống nhất trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua. Thực trạng này cho thấy việc tiếp tục cải cách pháp luật tố tụng hình sự nói chung và chế định chứng cứ, chứng minh nói riêng ở nước ta là một nhu cầu cấp bách; góp phần vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”, TS Lê Trường Sơn nói.
Tại hội thảo, PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Phó trưởng khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM trình bày tham luận: “Xác định xu hướng phát triển của pháp luật Việt Nam về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự”.
Từ đó, PGS Tấn Duy đã đặt ra một vấn đề lớn để các đại biểu thảo luận đó là Việt Nam có nên ban hành một luật riêng về chứng cứ và chứng minh?
Theo ông Duy, nếu chọn phương án ban hành luật riêng thì cần phải xác định phạm vi điều chỉnh của luật này bao gồm những vấn đề về chứng cứ chứng minh trong tất cả các loại tố tụng tư pháp hay chỉ trong tố tụng hình sự (TTHS).
Một điểm khác cần lưu ý, đó là đối với Việt Nam, ngoài vụ án hình sự (VAHS), vụ án dân sự còn có vụ án hành chính; hơn nữa có rất nhiều điểm khác biệt trong các quy định về chứng cứ, chứng minh giữa Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) năm 2015.
Bên cạnh đó, cấu trúc của các BLTTHS từ trước đến nay của Việt Nam khá tương đồng và có thể đã được xây dựng trên cơ sở học tập BLTTHS của Liên bang Nga. Vì vậy nếu chuyển sang cách ban hành một luật riêng thì có thể gây những xáo trộn không cần thiết.
Do đó, PGS-TS Tấn Duy cho rằng vẫn nên sử dụng BLTTHS năm 2015 làm nguồn luật chính điều chỉnh vấn đề chứng cứ và chứng minh nhưng sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện một số quy định.
Phương án này sẽ không gây xáo trộn và ảnh hưởng lớn đến các luật tố tụng khác, việc áp dụng cũng thuận tiện vì cơ bản chỉ cần sử dụng một đạo luật...