Sáng nay, 19-10, báo Pháp Luật TP.HCM cùng trường ĐH Luật – ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức Tọa đàm “giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới”.
Các diễn giả tham dự tọa đàm gồm TS Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; TS Trần Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; PGS Vũ Công Giao – Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội
Đến dự trực tiếp diễn đàn tại hội trường có các khách mời:
Ông Đinh Văn Thuần - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Nguyễn Đức Luật – Phó Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương
PGS Trương Thị Hồng Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương
TS Nguyễn Văn Đáng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
TS Đinh Văn Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Ông Nguyễn Đắc Hưng – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM và PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Khoa Lý luận, Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, trường ĐH Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì buổi tọa đàm.
Với tinh thần thảo luận mở, Tọa đàm cũng được công khai trên địa chỉ https://zoom.us/j/6887996666?pwd=b1dZZWY2MURzR200dlUvVTNwNVdDZz09; ID: 688 799 6666; Pass: 123456
Mở đầu toạ đàm, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Đinh Đức Thọ cho biết cùng với việc Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần đầu tiên vào năm 2005, năm 2006, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác PCTN, lãng phí. Trong đó đặt ra yêu cầu “đưa nội dung Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục. Mở chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này trên các báo, đài”.
Trên cơ sở đó, năm 2009, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 137/2009 phê duyệt Đề án “đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”. Sau thời gian thí điểm, năm 2013, Thủ tướng ra Chỉ thị 10 để triển khai Đề án này trên phạm vi cả nước.
Triển khai Kế hoạch công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đang chủ trì tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 10, từ đó tiếp tục tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, quan điểm cũng như giải pháp cho thời gian tới.
Từ sau Đại hội XIII, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, với cách tiếp cận mới xây dựng Đảng về đạo đức, về ăn hóa. Công tác PCTNTC có những chuyển biến mạnh mẽ. Số lượng lớn vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra, xét xử cùng rất nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều quan chức cấp cao bị kỷ luật Đảng, phải xử lý theo pháp luật. Điều này cũng đang gợi ý rằng cần có những nhận thức mới về công tác giáo dục và xây dựng văn hóa liêm chính.
Pháp Luật TP.HCM là tờ báo có thế mạnh về công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác PCTNTC cũng như thực tiễn công tác triển khai, tổ chức thi hành các nghị quyết của đảng, pháp luật của nhà nước có liên quan.
Ghi nhận kết quả này, phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo, đã quyết định biểu dương các cơ quan báo chí có thành tích trong công tác PCTNTC, trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM.
Còn PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Khoa Lý luận Lịch sử Nhà nước & Pháp luật, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết Trường là cơ sở đào tạo uy tín, lâu đời về luật học ở Việt Nam.
Đây cũng là nơi đầu tiên và duy nhất mở chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng. Chương trình đã đi vào thực tiễn bốn năm với số học viên ngày càng đông đảo cho thấy sự quan tâm của công chúng đến PCTN và giáo dục PCTN.
Đặt trong tổng thể yêu cầu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhằm góp thêm một tiếng nói cho việc tổng kết thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng, báo Pháp Luật TP.HCM cùng trường Đại học Luật phối hợp tổ chức Tọa đàm “Giáo dục phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hoá liêm chính trong giai đoạn mới”.
...................................
Tọa đàm được cởi mở ngay từ phút đầu với chia sẻ của TS Nguyễn Văn Thanh, người trực tiếp tham gia quá trình soạn thảo Luật PCTN 2005. “Thời gian làm Luật PCTN lúc đấy ngắn lắm, chỉ có 3-4 tháng đã trình Chính phủ dự thảo. Hồi đó nhận thức cơ bản là phòng ngừa, ngăn chặn, nhưng không hiểu sao không ai nghĩ ra giải pháp giáo dục hai nhóm đối tượng là thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ công chức”, ông Thanh kể.
Việc này sau đó được khắc phục bằng Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN. Nghị quyết đưa ra chỉ đạo chính trị: “Đưa nội dung Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục. Mở chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này trên các báo, đài”.
Trên cơ sở chính trị đó, năm 2009, Thủ tướng phê duyệt đề án “đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”. Sau mấy năm thí điểm thì đề án được triển khai trên cả nước từ 2013. Và rồi đến Luật PCTN 2018 thì bổ sung một điều riêng về yêu cầu này:
Điều 6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng
1. Cơ quan thông tin, truyền thông và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn.
2. Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Thời điểm đó vấn đề “liêm chính”, “văn hóa liêm chính” được tiếp cận thế nào?
Trả lời câu hỏi, ông Thanh chia sẻ rất thật là quá trình xây dựng Luật PCTN 2005 đã quên mất hoặc không nhận thức được tầm quan trọng của từ khóa “liêm chính”, “văn hóa liêm chính”.
“Trong đạo luật đầu tiên (2005-PV), từ cấp chuyên viên đến lãnh đạo đều thống nhất cao là với tham nhũng thì phòng ngừa là chính và phải luật hóa các thiết chế để phòng ngừa. Nhưng rồi văn hoá liêm chính không được xác định là trọng tâm. Có thể nói là không nghĩ ra, dù đã luật hóa vấn đề quà tặng, rất liên quan đến văn hoá công vụ, liêm chính”.
Quá trình lập pháp sau đó, qua các lần sửa đổi, kể cả lần sửa lớn năm 2013, vấn đề này vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Phải tới Luật PCTN 2018 mới hình thành trục liêm chính, mà cụ thể là các quy định về chống xung đột lợi ích…
.................................
Văn hoá liêm chính hiện nay khác 20 năm trước như thế nào?
PGS Vũ Công Giao: Tôi thấy có nhiều định nghĩa về liêm chính. Trong một từ điển Tiếng Việt, thuật ngữ “liêm chính” được ghép bởi hai từ gốc là “Liêm” và “Chính”, trong đó “Liêm” là “không tham lam, trong sạch”, còn “Chính” là “ngay thẳng, đúng đắn”.
Một định nghĩa khác về văn hoá, tôi cho rằng cũng có tính khái quát cao là của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), trong đó xem văn hoá là “… tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội. Đó không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin”.
Trước kia chúng ta chỉ tập trung PCTN còn bây giờ chúng ta tiếp cận đúng hơn là phải đi từ xây dựng văn hoá liêm chính.
Để PCTN phải đảm bảo những người có chức vụ quyền hạn phải tự kiểm soát mình, đây là gốc rễ. Mỗi người phải thự kiểm soát, hành xử trung thực, đúng đắn., liêm chính. Đây mới là biện pháp căn cốt, lâu dài.
TS Nguyễn Văn Thanh: Liêm chính trong công vụ là sự bình thường thôi. Bác Hồ nói người có bốn đức cần kiệm liêm chính. Theo tôi đây là ứng xử phổ cập ai cũng phải tuân theo và phải bắt đầu từ những cái ứng xử thật là đơn giản như vậy. Mấy chục năm nay, nền công vụ của ta, nhũng nhiễu với dân nhiều quá. Cho nên bây giờ đặt ra yêu cầu phải tìm về những giá trị đạo đức cơ bản, phố cập như cha ông đã dạy.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang nỗ lực PCTN 20 năm qua thì rất nhiều thói hư, tật xấu của nền công vụ đã bị phơi bày. Thành thử xã hội nhìn rõ hơn mặt xấu. Tức là sự không làm được những giá trị đạo đức phổ cập đã làm phô bày cái xâú, cái không tốt khiến xã hội bức xúc.
Giáo dục PCTN trong nhà trường theo tôi hiểu là trước hết là giáo dục về mặt đạo đức cho thế hệ tương lai. Quan trọng hơn là giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức. Vì người dân, xã hội được quyền đòi hỏi cao hơn, gắt gao hơn đối với nền công vụ.
Tôi nhớ từ Luật PCTN 2005 đến Luật PCTN sửa đổi năm 2018, có nội dung xây dựng các bộ quy tắc ứng xử. Phân cấp cho các bộ trưởng ban hành bộ quy tắc ứng xử cho các ngành.
Theo quan sát của tôi, gần 20 năm qua cả nước làm cái này không tốt. Có thể thực hiện không tốt là việc khác nhưng xây dựng, ban hành và chú ý tổ chức thực hiện đã là kém rồi.
Ví dụ xã hội họ phải biết đến các quy tắc này như bộ y đức của ngành y. Thực hiện hay không cần điều kiện cần và đủ nhưng ngay ở điều kiện cần ở đây mình đã làm không tốt rồi.
.........................
Giáo dục để hạn chế lòng tham
GS Nguyễn Đăng Dung: Tôi cho rằng chống tham nhũng là bản chất của mọi chế độ chính trị tiên tiến. Chống tham nhũng phải nằm trong bản chất của Nhà nước. Không phải có tham nhũng mới có các ban nọ bộ kia về chống tham nhũng hay phải có quyết định thì các cơ quan này mới hoạt động.
Bản chất con người là ham mê quyền lực, tham vật chất. Do đó, việc giáo dục con người để hạn chế lòng tham là rất quan trọng.
PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh TAND Tối cao: Đối với nội dung liên quan đến giáo dục về PCTN, cần xem xét từ cả hai góc độ nhà trường và xã hội.
Chúng ta đã làm trong nhà trường rồi nhưng trong xã hội thì việc này đang diễn ra như thế nào?
Trong xã hội, qua các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, chúng ta đều đã có làm về giáo dục PCTN nhưng chưa hề có đánh giá, tổng kết. Trong khi, giáo dục PCTN trong xã hội rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh mà mạng xã hội, công nghệ thông tin... đang bùng nổ.
Giáo dục về PCTN đã được đề cập từ rất lâu. Trong nhà trường thì đây cũng không phải là nội dung mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng nội dung này cần được tích hợp vào tất cả các môn học. Có thể là có một giáo trình riêng, chuyên sâu và mở rộng kết nối vào tất cả các nội dung học.
Môn học nào cũng có thể xen kẽ, lồng ghép khéo léo những nội dung liên quan đến PCTN, ở nhiều cấp học khác nhau. Thứ 2, khi xây dựng bộ quy tắc đạo đức thẩm phán, chúng tôi xác định liêm chính bao gồm thanh liêm và chính trực, không lợi dụng địa vị để thu lợi. Nếu không thanh liêm thì rất khó để chính trực. Để liêm chính, cần phải xây dựng, giáo dục.
Nhìn rộng hơn, đó là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, cần phải nuôi dưỡng văn hóa liêm chính. Ví dụ, nếu lương quá thấp, không đủ sống, làm sao để liêm chính? Nhà nước cũng cần phải suy nghĩ về vấn đề làm sao để cán bộ, viên chức có thể sống được bằng mức lương của mình, chứ không phải bằng thu nhập.
Liêm chính không phải là một tiêu chuẩn duy nhất về đạo đức mà là một tiêu chuẩn mang tính đạo đức, có ý nghĩa hệ thống và đây là trách nhiệm của toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng trường ĐH Luật – ĐHQG Hà Nội: Giáo dục văn hoá liêm chính cần phải đặt trong một cội nguồn gốc rễ rất sâu sắc. Đó là yếu tố cấu thành giá trị văn hoá của con người. Ngay cả nghề dạy pháp luật cũng rất thấm câu nói của một nhà triết học nổi tiếng rằng “nếu chúng ta điều chỉnh tất cả mọi thứ bằng quy phạm pháp luật thì sẽ tạo ra một xã hội hỗn loạn”.
Có nghĩa là muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ giáo dục tư tưởng, tư cách nhân phẩm con người. Tại sao Nhật Bản có thể phát triển từ một đất nước hoang tàn sau chiến tranh thế giới thứ hai thành một cường quốc như hiện nay? Bởi vì người ta đã rất quan tâm đến việc đào tạo tư duy sáng tạo.
Giáo dục phải cầm cương bằng những nhóm tinh hoa trách nhiệm có thể tạo ra những giá trị nền tảng. Nếu không làm được như thế thì giáo dục PCTN chỉ là khẩu hiệu.
Chống tham nhũng chỉ là hệ quả vì nếu con người tử tế, tôn trọng giá trị nhân nghĩa, sống vì mọi người… thì sẽ không có tham nhũng.
Chúng ta gần đây đang nói về trí tuệ nhân tạo, và lúc này các quốc gia cũng đang xây dựng những bộ quy tắc đạo đức để kiểm soát trị tuệ nhân tạo. Nói thế để thấy văn hóa, đạo đức, liêm chính phải là gốc của chính sách PCTNTC.
................................
Văn hóa liêm chính phải đặt trên bình diện toàn xã hội
TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cán bộ bị xử lý, điều này cũng gióng lên tiếng chuông về vấn đề liêm chính trong đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, cần thống nhất rằng liêm chính không phải khái niệm xa lạ với người Việt Nam. Chỉ là ông cha chúng ta tiếp cận vấn đề này qua thơ, ca, hò, vè, mà chưa có một hệ thống chuẩn hóa.
Ở phương Tây, từ thế kỷ 19, họ đã hình thành nhà nước pháp quyền, văn hóa công dân, ý thức công dân... Còn chúng ta, lúc này vẫn đang trong đang trong quá trình phát triển.
Để xây dựng liêm chính, tôi cho rằng cần xét trên bốn khía cạnh giáo dục là gia đình, trường học, bạn bè và đồng nghiệp, truyền thông đại chúng.
Các không gian này không chỉ đưa tin, tuyên truyền mà còn cần phản chiếu những tấm gương thực sự liêm chính. Trong 10 năm vừa rồi, những ai là tấm gương liêm chính từ địa phương đến trung ương? Truyền thông chưa đề cập đến.
Liên quan đến giáo dục, việc tập trung vào học sinh, sinh viên là cần thiết, tuy nhiên cần xét rộng hơn trên bình diện xã hội. Phải chăng đã đến lúc đề xuất giải thưởng về liêm chính? Chúng ta đang bàn việc lập một Ủy ban PCTN quốc gia, vậy có nên đặt tên cơ quan đó là Ủy ban Liêm chính quốc gia? Tôi đánh giá tên này sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều và có giá trị giáo dục hơn nhiều trên bình diện toàn xã hội.
..........................
Trước khi Tọa đàm kết thúc, ông Đinh Văn Thuần - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ và ông Nguyễn Đức Luật – Phó Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị cùng đến từ Ban TGTW, chia sẻ cảm nhận của mình. Theo đó, ở vai trò người làm tham mưu cảm nhận được nhiều ý kiến quý báu từ tọa đàm.
Ông Luật nói: “Giáo dục về PCTN, về liêm chính chúng ta đã làm từ lâu, dưới nhiều hình thức khác nhau. Dù còn nhiều việc phải làm nhưng có lẽ không nên quá lo lắng. Con tôi kể chuyện cô giáo ở lớp cho các bạn bị điểm thấp làm lại bài kiểm tra để được điểm cao hơn. Cháu phản ánh như vậy là không công bằng. Từ chuyện này tôi thấy thế hệ trẻ cũng ý thức rõ về sự công bằng, minh bạch, liêm chính”.
Ông Thuần cho biết Trung ương những năm gần đây rất chú trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức. Giáo dục về PCTN hay giáo dục liêm chính nằm trong mảng nhiệm vụ đó.
Những ý kiến đóng góp tại Tọa đàm rất có ý nghĩa ở thời điểm cả nước đang tổng kết 40 năm đổi mới.