Xây dựng ngành tòa án trong sạch, vững mạnh, liêm chính

(PLO)- Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu tăng cường việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng ngành, xây dựng lực lượng thật trong sạch, vững mạnh, liêm chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-12, TAND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác tòa án năm 2023.

Bốn điểm nhấn của ngành tòa án năm 2022

Những lời đầu tiên trong phát biểu khai mạc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhắc luôn về hai cái yếu chuyên môn của ngành trong năm 2022. Tuy nhiên, “cái được là tổng thể tất cả chỉ tiêu chính Quốc hội giao chúng ta đều đạt” - ông Nguyễn Hòa Bình nói và điểm lại một số kết quả theo ông là “điểm nhấn”.

Thứ nhất, ngành tòa án đã hoàn thành tất cả đề án trung ương giao, về cải cách tư pháp, xây dựng tòa án điện tử, xây dựng tư pháp người chưa thành niên và đổi mới chế định hội thẩm nhân dân tham gia xét xử.

Chánh án TAND Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: MINH DŨNG

Chánh án TAND Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: MINH DŨNG

Thứ hai, việc xét xử các vụ án tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, hệ thống tòa án đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Các bản án đúng người, đúng tội, tâm phục khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng nhân đạo, nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản.

Thứ ba là “điểm sáng” trong xây dựng pháp luật. Chánh án cho hay năm đầu nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được ba pháp lệnh, đều do TAND Tối cao xây dựng. Ngoài ra, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cũng ban hành nhiều nghị quyết, phát triển án lệ.

“Rất mừng là việc vận dụng án lệ trong xét xử đã thành xu thế, thành thói quen của các thẩm phán. Tổng kết, chúng ta đã có hơn 1.000 vụ án viện dẫn án lệ” - ông Bình nói thêm.

Thứ tư, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hòa giải, tỉ lệ hòa giải thành của các trung tâm hòa giải rất cao, đỡ cho việc xét xử, giải quyết các xung đột của xã hội một cách thân thiện, góp phần bảo đảm cho an ninh trật tự.

Mỗi tỉnh phải giới thiệu và được chấp nhận tối thiểu một án lệ

Nói về nhiệm vụ năm 2023, Chánh án TAND Tối cao yêu cầu các chỉ tiêu cơ bản Quốc hội giao và chất lượng xét xử phải được hoàn thành. “Đây là nhiệm vụ căn cốt. Cái gì còn yếu, còn thiếu thì phải nâng lên, đặc biệt là khu vực án hành chính phải có giải pháp” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay Ban cán sự đảng TAND Tối cao xác định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, với một trong những trụ cột là cải cách tư pháp, là “cơ hội để ngành tòa án phát triển lên một tầng cao mới”, biến đổi cả về tổ chức, nhân sự, trang thiết bị, chế độ chính sách, chất lượng công tác...

Chánh án TAND Tối cao cũng đặt vấn đề tổng kết việc thi hành và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 để thay đổi tổ chức ngành tòa án.

Đáng chú ý, điểm mới trong chỉ thị của Chánh án năm 2023, ông Nguyễn Hòa Bình yêu cầu mỗi địa phương, mỗi tỉnh phải giới thiệu và được chấp nhận tối thiểu là một án lệ, nếu không có được án lệ này coi như không hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành tòa án yêu cầu hội nghị thảo luận kỹ, tăng cường việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng ngành, xây dựng lực lượng thật trong sạch, vững mạnh.

“Thời gian qua, Đảng xử lý quyết liệt và không có vùng cấm, thực tế các đồng chí đã chứng kiến, các lãnh đạo rất cao cũng bị xử lý. Chúng ta, chỗ nọ chỗ kia cũng có vi phạm kỷ luật, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự. Từng đơn vị có cán bộ vi phạm cần rút ra bài học, từ đó phổ biến cho anh em rút kinh nghiệm, phòng ngừa, không để xảy ra vi phạm” - ông Bình nhấn mạnh thêm.

Các tòa rất nỗ lực trong việc xét xử trực tuyến

Với nghị quyết xét xử trực tuyến, dù chưa được đầu tư nhưng Chánh án TAND Tối cao ghi nhận tòa án các địa phương đã “rất nỗ lực, rất đáng biểu dương”.

Thậm chí, có địa phương còn lấy tivi ở nhà lên phục vụ xét xử trực tuyến. Đến nay đã có hơn 5.000 vụ được xét xử trực tuyến. Theo Chánh án TAND Tối cao, đánh giá của xã hội đối với chủ trương này rất tốt.

Viện trưởng Lê Minh Trí: Áp lực công việc rất lớn

Phát biểu tại hội nghị, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay năm 2022, áp lực công việc đối với ba ngành tố tụng rất lớn khi tình hình tội phạm tăng trung bình 10%/năm, đặc biệt án dân sự, hành chính tăng nhanh hơn.

“Yêu cầu của pháp luật, các chỉ tiêu của Quốc hội giao ngày càng cao, ngày càng áp lực. Kỷ cương, kỷ luật và yêu cầu của Đảng cũng là vấn đề thách thức cho các cơ quan tố tụng” - ông Lê Minh Trí nói.

Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đánh giá hệ thống pháp luật chưa đủ, chưa đồng bộ, chưa thống nhất. “Chúng ta là các cơ quan thực thi pháp luật, ngay trong một ngành nhiều khi ý kiến đã khác nhau về nhận thức pháp luật. Vậy nên cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát có quan điểm khác nhau là bình thường” - ông Trí nói.

Nhấn mạnh “kết quả của ngành này là tiền đề của ngành kia”, người đứng đầu ngành kiểm sát cho rằng nếu điều tra, kiểm sát, truy tố không tốt thì tòa cũng bị ảnh hưởng nhưng tòa là trung tâm, quyết định kết quả cuối cùng của bảo vệ công lý.

“Ba ngành chúng ta không thể tách rời được. Để không oan sai, không lọt tội phạm, chúng ta không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành mà phải có sự phối hợp với nhau” - ông Lê Minh Trí đánh giá “chưa bao giờ ba ngành phối hợp tốt như thế”.

“Những gì khó khăn, chúng ta chia sẻ với nhau. Những gì còn vướng mắc thì bàn bạc với nhau, với tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, đồng sự. Chúng ta cùng có mục tiêu chung là hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân giao phó” - Viện trưởng VKSND Tối cao nói.

Tỉ lệ xét xử án hành chính không đạt chỉ tiêu được giao

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, năm 2022 ngành tòa án có hai cái yếu về chuyên môn.

Yếu thứ nhất là công tác xét xử án hành chính, nhiều địa phương không đạt tỉ lệ Quốc hội giao, chất lượng cũng không cao, tỉ lệ hủy, sửa nhiều.

Yếu thứ hai là việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, dù năm qua tỉ lệ giải quyết đơn của ngành vượt 2,4% so với chỉ tiêu Quốc hội yêu cầu. Chánh án cho rằng số đơn đề nghị giám đốc thẩm phát sinh nhiều quá, cuối cùng kéo hết lên cấp tối cao. Điều này có những bất hợp lý về quy định của luật, trong tương lai cần có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, ông yêu cầu ngành tòa án cần khắc phục được những hạn chế về mặt chủ quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm