Thanh tra Chính phủ đang tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng về triển khai trên toàn quốc đề án “đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, TS Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho biết Luật PCTN từ khi ban hành lần đầu tiên năm 2005 và sau các lần sửa đổi đều xác định chống tham nhũng dựa trên ba trụ cột là phòng ngừa, phát hiện, xử lý.
. Phóng viên: Bối cảnh ra đời của đề án này thế nào, thưa ông?
+ TS Trần Văn Long: Trước khi có Luật PCTN và ngay cả bây giờ, cột trụ phát hiện và xử lý đã được quy định trong nhiều trục pháp luật chuyên ngành khác nhau và bằng nhiều công cụ khác nhau. Còn giải pháp phòng ngừa thì thực tế cũng nằm đâu đó ở nhiều văn bản pháp luật.
Vì vậy, thiết kế Luật PCTN đầu tiên, năm 2005, và cả các lần sửa đổi sau này đều tập trung các quy định phòng ngừa thành trụ cột chính trong sự gắn kết với các quy định có tính nguyên tắc về phát hiện, xử lý, để thành tổng thể chính sách PCTN của nước ta.
Phòng ngừa thì có nhiều nhóm giải pháp. Trong đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, và sớm hơn là của học sinh, sinh viên cũng như mọi tầng lớp xã hội là nhóm giải pháp quan trọng.
Đề án “đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 137/2009 là đặt trong bối cảnh ấy và đến năm 2013, với Chỉ thị 10 của Thủ tướng thì đề án từ phạm vi thí điểm được triển khai trên toàn quốc.
. Vậy những công việc nào đã được triển khai đến lúc này?
+ Ngoài Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước về công tác PCTN thì bốn Bộ gồm GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Công an, Quốc phòng cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều trực tiếp tham gia triển khai Đề án trong hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng của mình.
Đối tượng mà các hệ thống này nhắm tới là học sinh ở bậc THPT; sinh viên các trường đại học, cao đẳng; cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ, đảng viên... khi họ tham gia các chương trình bồi dưỡng, đặc biệt là bồi dưỡng chính trị.
Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn triển khai thí điểm đã xây dựng bộ tài liệu, bao gồm cả đĩa CD với hình ảnh, thông tin về các vụ án tham nhũng cụ thể đã được xét xử, để các bộ ngành, các cơ sở giáo dục đào tạo tham khảo, biên soạn tài liệu cho phù hợp với đối tượng của mình.
Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng đến nay cho thấy các đầu công việc trên đã được triển khai đầy đủ từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, kết quả cụ thể thì đang cần tiếp tục tổng kết, đánh giá.
. “Đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” như tên gọi của đề án chỉ là một phần nhỏ trong nhóm giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức về PCTN. Vậy làm thế nào để đánh giá chất lượng của việc thực hiện đề án?
+ Công tác PCTN lúc ấy mà nay được nâng lên là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã có chuyển biến rõ ràng trong 10 năm vừa qua. Đấy cũng là 10 năm triển khai Đề án nhưng rất khó có thể bóc tách đâu là phần đóng góp của việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.
Tuy nhiên, qua công tác tổng kết, qua các buổi kiểm tra, đánh giá trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, đào tạo cho thấy tại nhiều nhà trường, các thầy cô đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, nhất là các hoạt động ngoại khóa.
Ví dụ, có trường THPT hợp tác với các văn phòng luật sư, mời luật sư về nói chuyện, tổ chức cho học sinh đóng vai trong các bài tập tình huống. Có trường kết hợp với các đoàn kịch để tổ chức cho các em đi xem những buổi biểu diễn có nội dung về PCTNTC qua các tấm gương đạo đức.
Ở bậc THPT, nội dung PCTN được lồng ghép vào môn Giáo dục công dân với mục đích trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, phù hợp với lứa tuổi về thế giới quan khoa học và nhân sinh quan tiến bộ, về các giá trị đạo đức, pháp luật, lối sống. Qua đó, góp phần hình thành và phát triển ở các em những tình cảm, niềm tin, những hành vi và thói quen phù hợp với những giá trị đã học.
Ở loại hình đào tạo, bồi dưỡng chính trị của các trường Đảng, tôi thấy có cách làm rất hay, cụ thể là coi tất cả các môn học đều phải tính đến yêu cầu giáo dục liêm chính. Đối tượng vào học đều là cán bộ, đảng viên, có thâm niên công tác và đều có chức vụ nhất định. Vậy thì ngoài bài giảng xương sống về PCTNTC ở các môn học khác cũng cần lồng ghép tinh thần liêm chính, yêu cầu về xây dựng văn hóa liêm chính, góp phần trang bị hệ thống lý luận chính trị mang giá trị liêm chính cho học viên.
. Kết quả tổng kết cho đến lúc này có chỉ ra được những hạn chế, tồn tại nào trong việc triển khai Đề án?
+ Một giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi là có tới 11 nội dung phải lồng ghép vào môn Giáo dục công dân, trong đó có nội dung về PCTN. Định lượng hai tiết về PCTN trong một năm học, vậy thì làm thế nào để làm nổi bật lên, đáp ứng yêu cầu về giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa liêm chính là việc không đơn giản.
Đấy là chưa kể, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục công dân lại chuyển hóa vào môn Kinh tế - Pháp luật, là môn tự chọn, như vậy rất khó phổ quát kiến thức cơ bản về PCTN tới toàn bộ học sinh.
Công cuộc PCTNTC của chúng ta đã có những bước tiến rất xa so với 10 năm trước, vậy rất cần đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về PCTNTC cho đội ngũ giảng viên. Khung chương trình, phương pháp dạy và học cũng cũng phải khác. Chẳng hạn, lý thuyết thì để học sinh tự đọc, đến trường ưu tiên thảo luận, làm bài tập tình huống cho hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống thật…
Với hệ thống các chương trình trị cũng vậy, hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây đều đặt lên cao nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn đảng. Vậy thời lượng và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chính trị về nội dung PCTNTC cũng phải tiếp tục tính toán.
Đây là bài toán của các bộ, ngành liên quan và cũng là yêu cầu mới với đội ngũ giáo viên, giảng viên.
. Liệu có cách tiếp cận nào mới theo hướng thúc đẩy văn hóa liêm chính thay vì chỉ là trang bị kiến thức, lý thuyết qua các bài giảng?
+ Văn hóa là một khái niệm rất rộng, chẳng hạn mỗi hành vi con người mà mang giá trị văn hóa thì thường diễn ra như bản năng vậy. Đã là văn hóa liêm chính thì không phải cân nhắc, không phải đắn đo trước phong bì hay quà tặng. Khi chuẩn mực ứng xử đã trở thành văn hóa thì nó còn cao hơn cả ý thức chấp hành pháp luật.
Chúng ta cần hiểu rằng văn hóa liêm chính là mục tiêu, là đích hướng tới. Và như thế, Đề án 137 chỉ là một trong nhiều giải pháp để cùng nhau thúc đẩy, xây dựng văn hóa liêm chính.
Tôi cho rằng đưa nội dung PCTNTC vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chỉ là biện pháp kỹ thuật. Nó hướng tới mục tiêu lớn lao nhưng không nên khoác cho nó sứ mệnh quá lớn.
Mỗi giải pháp có vai trò riêng và với nỗ lực của các bộ ngành, cơ quan có liên quan, chúng ta hy vọng việc đưa nội dung PCTNTC vào trong nhà trường sẽ thành công hơn nữa, góp phần vào thành công của công cuộc PCTNTC mà Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ta đang nỗ lực thực hiện.
. Xin cảm ơn ông!
Ngày mai (19-10), báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới”.
Qua tọa đàm, đơn vị tổ chức mong muốn thúc đẩy nhận thức về văn hóa liêm chính, góp thêm chất liệu cho việc tổng kết thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng về triển khai Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó sớm có những cập nhật, bổ sung phù hợp với bối cảnh mới của công cuộc PCTNTC.