Để xây dựng nền công vụ liêm chính, cần sớm cải cách lương cán bộ, công chức

(PLO)- Trả lời PLO, Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu cho rằng để xây dựng nền công vụ liêm chính, cần sớm cải cách chế độ tiền lương khu vực công...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử vừa qua có vẻ đang nặng về phát hiện, xử lý sai phạm, nhưng chưa chú trọng lan tỏa giá trị răn đe, phòng ngừa qua các vụ án đó. Ông bình luận gì về ý kiến này?

+ Trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung và tham nhũng nói riêng chúng ta luôn nhất quán chủ trương lấy phòng ngừa là chính.

Có nhiều biện pháp, cách thức khác nhau, trong đó có cả hoạt động báo chí tuyên truyền (các vụ việc cụ thể - PV) để răn đe, phòng ngừa. Những nội dung này đã được đề cập trong Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Như vậy, về mặt nhận thức đã rất rõ ràng. Vấn đề còn lại nằm ở cách làm, cách triển khai trên thực tế.

Tôi đồng tình với một nhận định trong nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới. Theo đó đánh giá cải cách thể chế ở Việt Nam có nhiều ưu điểm về tầm nhìn, nhận thức, tuy nhiên còn có nhiều hạn chế trong công tác phối hợp giữa các chủ thể và việc bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.

Nhận xét này có lẽ cũng phù hợp với thực tiễn công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm ở nước ta.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

. Cũng như vậy, truyền thông phòng ngừa thông qua các vụ việc, vụ án cụ thể chưa có phương pháp, cách làm sáng tạo phù hợp. Về phía các cơ quan chức năng thì thiếu chủ động trao đổi, phối hợp với cơ quan báo chí. Từng làm công tác thông tin của Quốc hội, ông thấy thế nào?

+ Tôi cho rằng đang có tâm lý chưa cởi mở với truyền thông, báo chí và cách làm chưa theo kịp với truyền thông hiện đại.

Trong những vụ việc, vụ án cụ thể, các cơ quan chức năng cần kịp thời công khai thông tin một cách rõ ràng, minh bạch về cơ sở cho việc ra những quyết định của mình. Tất nhiên là trừ thông tin mật. Đây là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin, uy tín cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về phía các cơ quan báo chí thì cần có sự cân nhắc kỹ càng, bảo đảm đưa tin một cách đầy đủ, khách quan, nhiều chiều, tránh tạo ra sức ép ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết định khách quan của cơ quan tiến hành tố tụng.

Chỉ khi bảo đảm được sự công khai, minh bạch, tạo được niềm tin của công chúng vào công lý thì mới phát huy được sức mạnh tối đa của việc răn đe, phòng ngừa.

. Trung Quốc có cách truyền thông cho phạm nhân bị kết án tham nhũng đi nói chuyện, tổ chức đoàn cán bộ tham quan nhà tù… Theo ông Việt Nam có nên áp dụng các giải pháp đó không?

+ Đây là kinh nghiệm hay nhưng tôi cho rằng vẫn cần phải nghiên cứu thấu đáo về sự phù hợp với nước ta.

Ví dụ như chúng ta cho rằng xét xử lưu động là một hình thức rất phù hợp để tăng cường tính giáo dục răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên, qua thực tiễn thì cũng có những bất cập nhất định, đặc biệt là trong việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên toà.

Cách làm của Trung Quốc là một gợi ý hay về giáo dục phòng ngừa đối với những người có điều kiện phạm tội. Tuy nhiên phải bảo đảm tôn trọng các yếu tố liên quan đến quyền con người, tránh áp dụng mang tính ép buộc, tràn lan, có khi phản tác dụng.

. Vừa rồi, cả Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng đề cập tới việc tiền có mà không tiêu được, do không dám chi. Thậm chí thiết yếu như thuốc men, vật tư y tế bệnh viện cũng ngại đấu thầu, mua sắm. Theo ông vì sao có sự sợ hãi ấy?

+ Có thể do nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được áp dụng nhất quán. Tuy nhiên đó mới là những suy đoán ban đầu. Cần phải có những khảo sát, đánh giá toàn diện, sâu sắc các vấn đề có liên quan, từ thể chế, quy trình, thủ tục cho đến môi trường làm việc, tâm lý, động lực làm việc của đội ngũ cán bộ công chức.

Trong những vấn đề đó, tôi cho rằng con người vẫn là quan trọng nhất. Chúng ta phải làm sao để vừa bảo vệ được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhưng cũng loại bỏ được những người lợi dụng, bê trễ công việc.

. Cuối cùng, theo ông, ngoài công cuộc “củi lửa” đang làm, cần thêm điều kiện gì để không xảy ra những vụ như Việt Á, Cục Xuất nhập cảnh trong tương lai?

+ Các bài học về phòng, chống tham nhũng trên thế giới thì có nhiều nhưng để phù hợp với giai đoạn hiện nay ở nước ta thì tôi cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, trong sạch. Trong đó, trước hết cần sớm cải cách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng nhấn mạnh trả lương thấp cho cán bộ là nguy hiểm, vì như vậy họ phải bằng mọi cách “kiếm” thêm để nuôi gia đình.

Bên cạnh việc trả lương cao, Singapore còn lập Quỹ dự phòng trung ương. Công chức phải trích lương của mình gửi Quỹ, mức khởi đầu 5%, tăng dần theo tỷ lệ tăng lương. Chức vụ càng cao thì tỷ lệ càng lớn.

Khi nghỉ hưu, họ được lĩnh số tiền đó. Nhưng nếu phạm tội tham nhũng, số tiền đó bị trưng thu. Bởi vậy, ít công chức dám tham nhũng. Người có chức vụ cao, công tác lâu năm lại càng không dám “mạo hiểm” để mất tất cả.

. Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm