Đánh chuột không vỡ bình và nghệ thuật 'bật đèn trong phòng tối'

(PLO)- Khi nghệ thuật “bật đèn trong phòng tối” được thực thi tốt thì tin chắc đồ vật quý giá ấy sẽ là thể chế tốt, là nền tảng vững chắc cho cạnh tranh và phát triển trong thời đại đầy thách thức này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đánh chuột không để vỡ bình là yêu cầu mang tính thách thức rất cao nhưng không phải là bất khả thi, nếu hiểu và thực thi một cách nghệ thuật - tôi gọi là nghệ thuật “bật đèn trong phòng tối”.

Hình dung thế này, chúng ta có một căn phòng với nhiều đồ quý giá nhưng tối om, đồ đạc lộn xộn và đầy chuột, có cả những con chuột cống thành tinh. Và mục tiêu của chúng ta là tái lập căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ, sáng sủa và không có chuột.

Vậy thì đánh chuột chỉ là một cách. Quan trọng hơn và đúng hơn phải là đuổi chuột đi. Bên cạnh đánh thì giải pháp có thể và cần hơn là bật đèn.

Bật đèn, căn phòng sáng lên, chuột sẽ chạy. Xếp dọn căn phòng gọn gàng, chuột sẽ hết “cửa” kiếm chác.

Vấn đề còn lại là biết bật đèn đúng cách - vừa bật, vừa đánh, vừa đuổi chuột, vừa xếp dọn lại của cải cho gọn gàng, đẹp đẽ.

Nếu bật đèn sáng trưng bất thình lình, chuột sẽ chạy loạn xạ. Chưa đánh, chưa đuổi, có khi bình quý đã đổ, vỡ. Chưa kể chuột cống thành tinh còn lao tới cắn người, gây tổn thương cho “hệ thống”.

Ánh sáng cho căn phòng tối mà tôi nói chính là sự công khai, minh bạch. Muốn đuổi được chuột thì phải sửa lại căn phòng, tăng ánh sáng lên.

Tham nhũng cũng thế, công khai, minh bạch sẽ là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề tham nhũng, lãng phí và nhiều thứ bệnh tật cơ chế khác.

Vậy nên nghệ thuật ở đây là làm cho xã hội ngày càng công khai, minh bạch một cách hiệu quả. Không thể đơn giản kêu la đòi công khai, minh bạch. Cũng không nên hò reo, hùng hục đánh chuột.

Nhưng cũng không được phép trì hoãn. Phải thấy nhu cầu bật đèn đang vô cùng cấp bách.

Các văn kiện của Đảng qua nhiều thời kỳ đã nói rất nhiều “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đại hội XIII mới đây còn thêm “dân thụ hưởng”. Tất cả đều đúng.

Nhưng phải công khai, minh bạch thực sự. Thực sự đấy mới là một cuộc cách mạng.

Luật Tiếp cận thông tin cần phải được tuân thủ. Cái gì dân phải được biết, biết theo cách nào, cấp độ cung cấp thông tin ra sao phải được thực thi nghiêm. Như quy hoạch chẳng hạn, không được “lèm nhèm” và phải cung cấp khi dân cần, công khai càng nhiều càng tốt, tất nhiên trừ những quy hoạch liên quan đến an ninh quốc gia.

Mặt khác, phải thực thi nghiêm chế tài nếu người có trách nhiệm lại không cung cấp thông tin. Chẳng hạn, không cung cấp thông tin quy hoạch đúng lúc, đúng chỗ, đúng yêu cầu thì phải chịu trách nhiệm gì, chế tài xử phạt ra sao? Có phải đi tù không?

Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII đã nói khá rõ điều này. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã triển khai định hướng ấy rất quyết liệt.

Không chỉ đề cao giải pháp phân cấp, phân quyền, Thủ tướng còn nhấn mạnh trách nhiệm không chỉ cần được cụ thể hóa mà còn phải được “cá nhân hóa”. Có vậy mới thoát khỏi cái bóng “tập thể”, qua đó thúc đẩy tính minh bạch, công khai và phân cấp, phân quyền, những điều cốt tử cho phát triển.

Không chắc những đồ vật quý giá trong căn phòng tối om của chúng ta là cái gì. Nhưng nếu nghệ thuật “bật đèn trong phòng tối” được thực thi tốt thì tin chắc đồ vật quý giá ấy sẽ là thể chế tốt, là nền tảng vững chắc cho cạnh tranh và phát triển trong thời đại đầy thách thức này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm