Cán bộ phường: Công việc quá tải, chế độ chưa tương xứng

(PLO)- Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, cứ mãi làm báo cáo thì cán bộ bị cột chặt vào công việc hành chính hơn là xuống với dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bàn luận trên được cán bộ cấp phường chia sẻ tại diễn đàn kết nối công chức trẻ ở quận 4 với chủ đề “Chuyện ở phường”, do Đoàn Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức, chiều 24-5.

Diễn đàn ghi nhận nhiều ý kiến xoay quanh chế độ dành cho các cán bộ không chuyên trách hiện nay là chưa tương xứng.

Cán bộ cấp phường nêu ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: THANH TUYỀN

Cán bộ cấp phường nêu ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: THANH TUYỀN

Nhân sự giảm, lương không thay đổi

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, bí thư đoàn phường 13 chia sẻ, lực lượng cán bộ không chuyên trách ở phường chiếm 60% nhân sự cấp phường. Thực hiện Nghị định 34/2019, số lượng nhân sự bị kéo giảm nhưng khối lượng công việc lại tăng so với trước là điều khó khăn cho đơn vị thực hiện sáp nhập vì địa bàn rộng.

Theo Nghị định 92/2009, cán bộ không chuyên trách hưởng mức lương là 1.86. Riêng TP.HCM được vận dụng cho mức lương khác tùy trình độ cao đẳng hay đại học. Tính ra, một cán bộ không chuyên trách có bằng đại học hưởng lương 5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Khi thực hiện chính quyền đô thị, cán bộ không chuyên trách không còn được hưởng 25% phụ cấp công vụ như trước, cũng không được nâng lương định kỳ như công chức chuyên môn.

Do đó, bà kiến nghị cần có những chính sách quan tâm đối với lực lượng này.

Cũng có ý kiến nêu rằng cấp phường hiện phải làm quá nhiều báo cáo, cần đơn giản hóa để tiết kiệm thời gian, công sức cho cán bộ.

Tham dự diễn đàn, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo chia sẻ, phường là nơi gần dân nhất, là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa chính quyền với dân.

Có nhiều vấn đề ở phường đặt ra, TP có lắng nghe và từng bước tháo gỡ nhưng những khó khăn ở phường còn rất nhiều. “Phải làm sao gỡ nhanh hơn nữa. Ở phường, việc rất nhiều, áp lực và quá tải. Có cán bộ tâm sự ban đêm không ngủ được, phải mở điện thoại để lỡ người dân gọi không được lại canh cánh trong lòng”- bà chia sẻ.

Cũng theo bà Thảo, áp lực công việc ở phường rất nặng nhưng lại có ít chế độ chính sách. Chẳng hạn trong thời gian chống dịch, lực lượng này rất tích cực nhưng chế độ chính sách lại rất hẹp.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng phải tháo gỡ nhanh các vấn đề ở cấp phường. Ảnh: THANH TUYỀN

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng phải tháo gỡ nhanh các vấn đề ở cấp phường. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, dù đã làm ở phường nhưng thi công chức cũng không phải chuyện dễ dàng, có người làm nhiều năm nhưng thi không đậu.

“Đầu vào cũng khó mà đầu ra cũng không dễ dàng. Có người quanh quẩn ở phường hết tuổi thanh xuân, có người làm ở phường 20-25 năm, luân chuyển qua nhiều phường mà không có đầu ra, không có chỗ để lên ở cấp quận thôi chứ chưa nói đến cấp TP”- bà đề nghị cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề khó cho cấp phường.

Đơn giản hóa thủ tục, giảm tải cho cấp phường

Nhắc lại quan điểm của bà được nêu trong cuốn sách “Chuyện ở phường” rằng ở phường ít tham nhũng, ít tiêu cực, nếu có thì cũng rất ít, bà Phạm Phương Thảo nói vì phường là nơi gần dân và được dân giám sát chặt chẽ.

Do việc phân công phân cấp không rõ ràng nên khi xảy ra chuyện hoặc chưa được giải quyết thì cấp trên dễ đổ lỗi cho cấp dưới. Đơn cử như câu chuyện liên quan đến quản lý đô thị, trật tự xây dựng. Có người đề xuất cấp nào cấp phép xây dựng thì cấp đó quản lý theo dõi hoặc có chế độ phối hợp để cùng chịu trách nhiệm về vấn đề này chứ không phải tất cả đổ lỗi cho phường.

Từ những điều quan sát trong thực tế, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đề xuất một số chính sách cho cấp phường.

Chẳng hạn về số lượng cán bộ công chức phường, bà cho rằng không nên đổ đầu mỗi phường 15 người mà cần dựa vào đặc điểm, tính chất, quy mô của phường. Có những phường giảm từ 47 người xuống còn 37 người, rất khó khăn. Phường 10.000 dân có thể sắp xếp để choàng gánh nhưng nếu phường hơn 50.000 dân thì 15 người là rất khó khăn.

Bà Phạm Phương Thảo cũng đề xuất nên có cơ chế tự chủ tài chính cho phường. Về điểm này, năm 2009-2016, TP thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường. Lúc đó, phường còn tự chủ tài chính nhưng giờ qua cơ chế mới phường rất khó khăn.

“Quận đã rà dự toán, phường dự toán thêm lần nữa sẽ gây khó khăn cho phường trong hoạt động do không được chủ động về mặt tài chính. Trước đây, phường chủ động thu, chi; phần còn lại thì phường được giữ còn bây giờ là nộp lên hết. Muốn làm gì phải xin lại”- bà phân tích.

Bà cũng đề xuất đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, báo cáo ở cấp này. Bởi có những cán bộ phường nói rằng họ không đủ thời gian để làm báo cáo. Mỗi báo cáo dài 5-6 trang, luôn đòi hỏi phải làm theo mẫu từ trung ương đưa xuống trong khi phường rất nhiều việc.

"Phường Đa Kao phải cử hai người để kí tên, đóng dấu vì mỗi ngày phường phải thực hiện sao y, chứng thực 2.000 văn bản" - bà đơn cử và nhìn nhận việc phải làm báo cáo quá nhiều khiến cho cán bộ bị cột vào bàn giấy.

Bà Thảo cho rằng phải đơn giản hoá bớt thủ tục để cán bộ còn có thời gian đi xuống dân, gần dân hơn, không bị cột chặt vào công việc hành chính.

Về quy hoạch cán bộ công chức phường nói chung và cán bộ công chức trẻ nói riêng, bà Phạm Phương Thảo nêu ý kiến phải làm sao tạo động lực phấn đấu cho lớp trẻ, có sự sâu sát để đánh giá đúng thực lực.

Bà cũng đề xuất cần dành sự quan tâm hơn với lực lượng trật tự đô thị ở phường. Bởi đây là công việc nhạy cảm và dễ đụng chạm nhưng mức lương 4 triệu/tháng là quá thấp. Chưa kể, mảng trật tự đô thị luôn nóng nhưng theo quy định chỉ còn năm người để thực hiện công việc.

TP cần chủ động lắng nghe các giải pháp từ cấp phường

Bà Dương Thị Ngọc Thương, Chủ tịch UBND phường 3, quận 4 nêu ý kiến cấp phường hiện có đưa nhiều giải pháp trong một số lĩnh vực từ quá trình va chạm với thực tế. Tuy nhiên nhiều giải pháp, hay trong tình trạng cấp bách cần phải làm thì lại không được sự chấp thuận của cơ quan cấp trên. Từ đó dẫn tới việc không thể thực hiện tốt nhiệm vụ, gây tâm lý ức chế, trăn trở với khó khăn của đơn vị.

Bà kể câu chuyện trụ sở công an phường đã xuống cấp trầm trọng nhưng khi đề xuất được xây mới, chuyển từ công an quận lên TP thì vẫn không nhận được câu trả lời.

Vị chủ tịch phường cho rằng các phòng ban chuyên môn cấp TP cần chủ động hơn trong việc lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, các giải pháp hữu hiệu của cấp phường xã, quận huyện.

“Kiến nghị gửi cấp TP nếu không được chấp thuận phải có giải pháp thay để tốt hơn, chứ không bảo thủ giữ quan điểm trong khi khó khăn cơ sở không giải quyết một cách triệt để”- bà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm