Có nên đổi tên TAND cấp tỉnh, huyện thành tòa phúc thẩm, sơ thẩm?

(PLO)- Sự độc lập xét xử không lệ thuộc nhiều vào tên gọi của tòa án; mà lệ thuộc nhiều vào ứng xử của chủ thể khác đối với hệ thống tòa án và người tham gia xét xử.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.

Dự thảo có hai nội dung đáng lưu tâm là phân định nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cấp xét xử không theo cấp hành chính.

Sự phân định nhiệm vụ xét xử chưa triệt để

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, cần “phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án”.

Theo định hướng sửa Luật Tổ chức TAND, TAND cấp huyện sẽ đổi tên thành TAND sơ thẩm. Ảnh minh họa: TRẦN LINH
Theo định hướng sửa Luật Tổ chức TAND, TAND cấp huyện sẽ đổi tên thành TAND sơ thẩm. Ảnh minh họa: TRẦN LINH

Cần thay đổi thêm để đảm bảo tính độc lập của tòa

Đối với những lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của các tòa chuyên biệt (tức ngoài lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phá sản và hành chính) chưa thấy có sự thay đổi để đảm bảo tính độc lập.

Chẳng hạn, đối với TAND phúc thẩm, TAND Tối cao theo hướng “về cơ cấu tổ chức được giữ nguyên như quy định hiện hành của TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương”.

Do đó, đây là điểm cần tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính độc lập của tòa án và của những người tham gia xét xử.

Báo cáo của TAND Tối cao về Luật Tổ chức tòa án theo hướng “xác định rõ thẩm quyền của tòa án theo cấp xét xử, theo đó phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm”. Ở đây, TAND Tối cao đề xuất đổi tên TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương thành TAND phúc thẩm như TAND phúc thẩm Hải Phòng và đối với TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, thành TAND sơ thẩm như TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm.

Khi đi vào xác định chức năng và nhiệm vụ của các cấp tòa với tên mới như trên, TAND Tối cao theo hướng “sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND phúc thẩm theo hướng chuyển thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND từ cấp tỉnh trở lên; chuyển thẩm quyền giải quyết các vụ việc thuộc các lĩnh vực đặc thù về sở hữu trí tuệ, phá sản sang cho TAND sơ thẩm chuyên biệt”.

Ngoài những thay đổi trong lĩnh vực hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản như nêu trên, tòa phúc thẩm với tên mới về cơ bản không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ. TAND phúc thẩm vẫn giải quyết một số vụ việc theo thủ tục sơ thẩm vì đề cương dự thảo về TAND sơ thẩm quy định “Xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của TAND sơ thẩm chuyên biệt, TAND phúc thẩm”. Nội dung này cho thấy TAND phúc thẩm vẫn giải quyết nhiều vụ việc theo thủ tục sơ thẩm mặc dù có hệ thống TAND sơ thẩm.

Bên cạnh đó, TAND phúc thẩm theo dự kiến cũng không độc quyền trong việc phúc thẩm các vụ việc vì đề cương dự thảo quy định TAND Cấp cao có thẩm quyền “phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND sơ thẩm chuyên biệt, TAND phúc thẩm thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật”.

Chủ trương lớn của Đảng là “phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án” và đề xuất thay đổi tên gọi làm cho người quan tâm cảm nhận có sự phân định rõ các nhiệm vụ sơ thẩm và phúc thẩm nhưng nội hàm nêu trên lại cho thấy sự phân định chưa triệt để.

Ở đây, mặc dù mang tên là TAND phúc thẩm nhưng tòa này vẫn xét xử sơ thẩm và nhiều vụ việc không được xét xử phúc thẩm ở tòa này mà lại ở TAND Cấp cao. Hiện nay, có 66 tòa án cấp phúc thẩm (bao gồm 63 TAND cấp tỉnh và ba TAND Cấp cao). Với thay đổi tên gọi nhưng không có biến động cơ bản về việc sơ thẩm, phúc thẩm, sự “phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án” còn mang tính hình thức.

Độc lập xét xử không lệ thuộc nhiều vào tên gọi của tòa án

Nghị quyết 27-NQ/TW khẳng định cần “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tổ chức TAND của TAND Tối cao theo hướng “phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm mà không theo cấp hành chính như hiện nay”. Việc không để cấp xét xử theo cấp hành chính như hiện nay là cần thiết để bảo đảm tính độc lập của tòa án, để “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập”.

Định hướng nêu trên được thể hiện khá rõ trong việc lập các tòa chuyên biệt. Cụ thể, TAND Tối cao theo hướng thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt với định hướng TAND sơ thẩm chuyên biệt được tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh, TP tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi loại vụ việc gồm: TAND sơ thẩm sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm hành chính, TAND phá sản. Trước mắt, thành lập một TAND sơ thẩm sở hữu trí tuệ tại Hà Nội, hai TAND phá sản tại Hà Nội và TP.HCM. Đối với lĩnh vực hành chính, Chánh án TAND Tối cao theo hướng “5-7 tỉnh hình thành một tòa hành chính chuyên xét xử các vụ kiện hành chính cấp tỉnh để khách quan, độc lập và thoát khỏi địa giới hành chính”.

Theo Chánh án TAND Tối cao, bất cập hiện nay là các vụ kiện chủ tịch xã, chủ tịch huyện thì TAND cấp tỉnh xử nhưng khi chủ tịch tỉnh, UBND cấp tỉnh bị kiện thì TAND cấp tỉnh xử lại “run tay”. Vì vậy, việc xây dựng cấp xét xử không theo cấp hành chính đối với tòa chuyên biệt như nêu trên phần nào củng cố tính độc lập của hệ thống tòa án và nên được ủng hộ.

Theo Chánh án TAND Tối cao, cách gọi TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện như hiện nay vô hình trung đã “hành chính hóa” tòa án và đó là một lý do đề xuất gọi là TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm như trên. Thực tế, sự độc lập xét xử không lệ thuộc nhiều vào tên gọi của tòa án mà lệ thuộc nhiều vào ứng xử của chủ thể khác đối với hệ thống tòa án và người tham gia xét xử.

Vì vậy, muốn thực sự độc lập như nghị quyết của Đảng đã đề ra, cải cách tên gọi của tòa án chưa đủ mà cần có giải pháp căn cơ hơn như cần có cơ chế bổ nhiệm người tham gia xét xử, cơ chế hoạt động của tòa án độc lập, nhất là đối với cơ quan hành chính.

Bài học từ thế giới

Ghi nhận tòa án sơ thẩm hay tòa án phúc thẩm không xa lạ trên thế giới. Chẳng hạn, ở nước Pháp có tòa án sơ thẩm như Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Paris và Tòa án phúc thẩm như tòa phúc thẩm Paris. Trong đó, tòa sơ thẩm tập trung vào giải quyết lần đầu các vụ việc, còn tòa phúc thẩm tập trung vào phúc thẩm các vụ việc đã giải quyết lần đầu ở cấp sơ thẩm

Việc xây dựng hệ thống tòa án độc lập, nhất là độc lập với hệ thống hành chính là nhu cầu khách quan và được quan tâm nhiều trên thế giới.

Ở Pháp, mỗi tòa sơ thẩm hành chính có phạm vi thẩm quyền về lãnh thổ khá lớn như cho một vùng hay nhiều tỉnh. Từ thế kỷ thứ 19, tòa án hành chính Pháp đã khẳng định sự độc lập của mình so với hệ thống hành chính và nhân dịp giám sát tính hợp hiến của một đạo luật năm 1980, Hội đồng hiến pháp của Pháp đã chính thức ghi nhận độc lập của tòa án hành chính là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền Cộng hòa Pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm