Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Thẩm phán 'phụng công, thủ pháp'

(PLO)- Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc duy trì kỷ cương, kỷ luật của các tòa án phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 27-2, phát biểu kết luận Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết 27-NQ/TW, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá những năm qua, hệ thống TAND đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Đây là kết quả của việc tích cực và chủ động thực hiện các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Tốc độ phát triển án lệ chậm so với yêu cầu

Chánh án TAND Tối cao nhận xét số lượng, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra. Công tác xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật được tăng cường, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Tổ chức bộ máy được củng cố, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ chức danh tư pháp trong tòa án được tăng cường cả về số lượng và chất lượng…

Đặc biệt, ông Nguyễn Hòa Bình nhắc tới việc thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức, người có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Tuy nhiên, Chánh án TAND Tối cao cũng thừa nhận bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của các tòa án vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Do vậy, một nội dung quan trọng của hội nghị lần này là bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử.

Không nhắc lại các giải pháp cụ thể, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chỉ lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất là về phát triển án lệ. “Tốc độ phát triển án lệ của chúng ta hơi chậm so với yêu cầu, mặc dù đã có thành công bước đầu” - ông Bình nêu lý do vì sao chỉ thị năm nay của chánh án giao chỉ tiêu cho các tòa án phải phát triển án lệ.

Thứ hai, về việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị các tòa án coi đây là hoạt động chính, cũng quan trọng như hoạt động xét xử.

Thứ ba, liên quan đến phiên tòa xét xử trực tuyến, Chánh án TAND Tối cao cho rằng chỉ có nỗ lực của tòa án là chưa đủ, còn cần sự hỗ trợ của các cơ quan khác như công an, VKS… Để tiến tới việc xây dựng tòa án điện tử, theo ông Bình, cần xây dựng một đạo luật riêng.

“Chúng ta có một điểm cầu trung tâm như một phiên tòa thực, để bảo đảm sự nghiêm túc của pháp đình. Chúng ta chưa tổ chức phiên tòa trực tuyến mà mỗi người ngồi một nơi, thẩm phán, hội thẩm, luật sư… ngồi ở nhà của mình để tham gia phiên tòa” - ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao cũng đề nghị các tòa án tăng cường sử dụng phần mềm trợ lý ảo. Ông thông tin ở Mỹ, quý I này sẽ thí điểm một phiên tòa thật nhưng luật sư là trí tuệ nhân tạo...

“Chúng ta không thể dùng thẩm phán là trí tuệ nhân tạo nhưng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chúng ta thông qua phần mềm trợ lý ảo rất nhiều” - ông Bình cho rằng các thẩm phán càng sử dụng nhiều phần mềm trợ lý ảo thì trợ lý ảo ngày càng thông minh.

“Tôi mong trong các giải pháp thì giải pháp này sẽ được tăng cường hơn” - ông Bình nói thêm.

“Mỗi một vụ án thẩm phán, thư ký vi phạm, tất cả chúng ta đều đau xót, nhức nhối trong tim. Nhưng không chỉ đau xót mà qua đây phải trở thành bài học để chúng ta rút kinh nghiệm toàn hệ thống” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

“Cán bộ nào, phong trào đó”

Đặc biệt, tại hội nghị lần này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình một lần nữa nhấn mạnh việc đề cao kỷ cương, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật.

“Thẩm phán “phụng công, thủ pháp”, phải tuân thủ pháp luật, điều đó các đồng chí đã khắc cốt ghi tâm rồi. Đây là bài học đầu tiên khi chúng ta bước vào trường tòa án nhưng vẫn phải nhắc lại câu chuyện này” - ông Bình nói.

“Mỗi một vụ án thẩm phán, thư ký vi phạm, tất cả chúng ta đều đau xót, nhức nhối trong tim. Nhưng không chỉ đau xót mà qua đây phải trở thành bài học để chúng ta rút kinh nghiệm toàn hệ thống” - Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh. Ông cho rằng làm thế nào để dấu hiệu vi phạm không xảy ra trong hệ thống tòa án là mong muốn nhưng đồng thời cũng là “đích ngắm” của từng cán bộ công tác trong ngành.

Lưu ý giải pháp về nêu gương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, Chánh án cho rằng đây là yêu cầu của Đảng nhưng cũng là yêu cầu của ngành.

“Người ta nói “cán bộ nào, phong trào đó”, chánh án nghiêm, chuẩn chỉnh thì anh em cũng nghiêm và chuẩn chỉ. Việc duy trì kỷ cương, kỷ luật của các tòa án phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu. Mong tất cả chánh án ngồi đây, dù ở cấp nào cũng xác định đúng vị trí của mình để quyết định chất lượng hoạt động của tòa án cấp mình” - ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

- Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp;

- Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án;

- Công khai bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử TAND;

- Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự;

- Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó giao chỉ tiêu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm tới từng thẩm phán;

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử;

- Nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký tòa án;

- Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu;

- Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các tòa án;

- Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm