Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về việc phạt nhà báo tự ý ghi âm, ghi hình phiên tòa

(PLO)-  Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói việc phạt nhà báo quy định trong Pháp lệnh xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, với 100% thành viên đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Trước khi biểu quyết thông qua, một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là liên quan đến quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại quy định này tại dự thảo để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thông qua dự thảo Pháp lệnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thông qua dự thảo Pháp lệnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói nội dung này được rất nhiều người quan tâm.

“Lần họp trước, một số nhà báo gọi điện cho tôi hỏi tại sao lại quy định không cho nhà báo ghi âm, ghi hình với livestream. Đó là quyền nhà báo để thông tin với công chúng”- ông Bình cho biết.

Theo Chánh án, nhà báo có quyền như vậy nhưng con người cũng có quyền rất thiêng liêng. “Anh có một người em gái đang liên quan đến một vụ án hôn nhân, bây giờ trước phiên tòa người ta phải trình bày lý do tại sao người ta ly hôn, tài sản người ta có gì, tiền tài bao nhiêu và phân chia… Trong khi có một người nào đó livestream đưa hết mạng cho thế giới người ta xem thì anh có chịu được không? Anh có đồng ý việc đó không?”- ông Bình nói.

Cũng theo Chánh án: “Nguyên tắc lớn ở đây là bảo vệ quyền con người. Anh không thể sẵn sàng ghi âm, ghi hình để đưa lên mạng được. Cho nên luật của chúng ta, mà không phải chỉ riêng luật của ta đâu, phải bảo vệ quyền riêng tư của con người”.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tương tự, trong vụ án hình sự cũng vậy, ông Bình cho rằng không chỉ có bị can, bị cáo (là những người bị hạn chế về quyền con người), tham gia vụ án hình sự còn có những người khác như người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… Những người này cũng có quyền bảo vệ bí mật của mình.

Chánh án cũng bày tỏ quan ngại nếu các vụ án xâm hại nhân thân, xâm hại nhân phẩm mà cũng ghi âm, ghi hình và livestream.

“Pháp luật của chúng ta và pháp luật của tất cả các nước trên thế giới đều quy định chuyện này xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người”- ông Bình một lần nữa nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về việc ghi âm, ghi hình, livestream vì sao cần sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, Chánh án TAND Tối cao cho rằng việc tổ chức một phiên tòa có mục tiêu tối thượng là hướng đến một bản án đúng pháp luật, công tâm. Bởi vậy, nhiệm vụ của HĐXX là phải toàn tâm, toàn ý cho việc đưa ra phán quyết, bảo đảm phán quyết công tâm, đúng luật.

“Các đồng chí hình dung là hàng trăm điện thoại đưa lên livestream thì sự toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chính của phiên tòa là đưa ra bản án đúng pháp luật sẽ bị xao nhãng”- ông Bình nói và “rất mong người dân và đặc biệt là truyền thông tôn trọng, chia sẻ với áp lực của thẩm phán khi đứng trước một việc lớn là đưa ra phán quyết”.

“Tâm trạng của bất cứ ai cũng thế thôi, đứng trước ống kính, đứng trước máy truyền thông sẽ dễ bị xao nhãng. Rất mong được chia sẻ, tạo điều kiện để HĐXX làm đúng phận sự của mình”- ông Bình nói thêm.

Đã điều chỉnh dự thảo pháp lệnh

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh cho hay có ý kiến đề nghị rà soát quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm thống nhất với các luật, bộ luật tố tụng.

Về việc này, Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng về nội quy phiên tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định “Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”.

Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh với các luật, bộ luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, điểm c và điểm d khoản 4 Điều 23 của dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý.

Theo đó, dự thảo Pháp lệnh quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự”.

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh mới nhất cũng đã điều chỉnh nội dung xử phạt báo chí đăng, phát nội dung sai sự thật. Theo đó, Nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm