Phạt nhà báo theo dự thảo pháp lệnh: Cần cân nhắc!

(PLO)- Việc ban hành chế tài đối với những hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết, tuy nhiên một số hành vi được đề xuất xử phạt lại chưa tương thích với luật, thậm chí không thỏa mãn về cấu thành của một vi phạm hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Theo dự thảo này, nhà báo có hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị xử phạt nặng. Mặc dù việc ban hành chế tài là cần thiết, tuy nhiên một số hành vi bị xử phạt nêu tại dự thảo vẫn cần được xem xét lại.

Phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chưa tương thích với luật

Điểm l khoản 2 Điều 23 dự thảo quy định: Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa.

Như vậy, theo quy định này thì khi tham dự phiên tòa, nhà báo bắt buộc phải có cả hai loại giấy tờ là thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác. Nếu thiếu một trong hai loại giấy tờ trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, quy định này lại chưa có sự tương thích với Luật Báo chí, bởi theo Điều 25 Luật Báo chí, khi tác nghiệp, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Đối với hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo thì sẽ được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp…

Luật Báo chí không hề quy định thêm bất cứ một giấy tờ nào khác mà nhà báo phải có ngoài thẻ nhà báo. Do đó, pháp lệnh quy định xử phạt nhà báo trong trường hợp không có “giấy giới thiệu công tác” là khai sinh thêm một loại “giấy phép con”.

Ở một góc độ nào đó thì quy định xử phạt nêu trên cũng đã hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo trong việc phản ánh trung thực, kịp thời tình hình văn hóa, kinh tế, xã hội… của đất nước và thế giới. Cần lưu ý, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thì Luật Báo chí là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh về vấn đề hoạt động báo chí. Do đó, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không được mâu thuẫn hay phủ định các quy phạm trong Luật Báo chí.

“Cần có cơ chế rõ ràng cho nhà báo tác nghiệp tại tòa”

Theo tôi, dự thảo cần có quy định rõ ràng về hoạt động báo chí tại phiên tòa công khai. Cụ thể là với trường hợp nhà báo đã xuất trình đầy đủ giấy tờ cho thư ký phiên tòa nhưng chủ tọa phiên tòa vẫn không đồng ý cho ghi âm, ghi hình.

Nhà báo Tuyết Mai, báo Tuổi Trẻ. Ảnh: NVCC

Nhà báo Tuyết Mai, báo Tuổi Trẻ. Ảnh: NVCC

Nhà báo khi tác nghiệp buộc phải thu thập tài liệu. Các tài liệu này có thể sẽ không dùng để đăng tải trên báo chí mà dùng làm tư liệu hoặc làm bằng chứng, song nếu quy định như dự thảo thì sẽ gây bất lợi cho việc tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa công khai.

Ví dụ, khi nhà báo ghi âm lại các diễn biến trong phiên tòa công khai. Phần lớn các dạng tài liệu này không được đăng tải trong tác phẩm báo chí. Song, nhà báo sẽ sử dụng để làm bằng chứng hoặc nghe lại băng ghi âm để thông tin đầy đủ và chính xác hơn nội dung phiên tòa.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quy định tại dự thảo thì việc ghi âm như nêu trên là vi phạm, có thể bị xử phạt với mức rất cao và bị tịch thu phương tiện.

Nhà báo TUYẾT MAI, báo Tuổi Trẻ

(MINH CHUNG ghi)

Chỉ nên xử phạt việc tự ý ghi âm, ghi hình trong phiên xử kín

Bên cạnh việc xử phạt khi xuất trình giấy tờ không đúng quy định thì khoản 4 Điều 23 dự thảo còn quy định nhà báo ghi âm, ghi hình HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa sẽ bị phạt tiền 7-15 triệu đồng.

Tuy nhiên, quy định này cần được cân nhắc trong mối tương quan với các quy định khác của Luật Báo chí và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai. Trong đó, hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí; cải chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in; truyền dẫn báo điện tử và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình.

Như vậy, hoạt động báo chí của nhà báo không thể thoát ly khỏi hoạt động ghi âm, ghi hình, kể cả tại phiên tòa, phiên họp của tòa án. Tất nhiên, nếu những phiên tòa liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật quân sự hay những vụ án về tình dục (như cưỡng dâm, hiếp dâm...) mà những tình tiết của vụ án không có lợi về mặt giáo dục cũng như không có lợi cho người bị hại thì việc ghi âm, ghi hình của nhà báo sẽ bị hạn chế. Đây là những trường hợp phải xét xử kín theo quy định của Luật Tổ chức TAND. Vì lý do đó mà Luật Báo chí đã rất logic khi quy định quyền tự do tác nghiệp của nhà báo tại các phiên tòa xét xử công khai.

Ngoài ra, các quy định về xử lý hành vi vi phạm nội quy phiên tòa tại khoản 1 Điều 316 Luật Tố tụng hành chính 2015; khoản 1 Điều 491 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 1 Điều 467 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng không hề có điều khoản nào quy định hành vi ghi âm, ghi hình của nhà báo tại các phiên xử công khai phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Bản thân Điều 9 Luật Báo chí cũng không xem việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại các phiên xử công khai là hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, pháp lệnh chỉ nên quy định việc xử phạt hành vi ghi âm, ghi hình của nhà báo khi chưa xin phép tại các phiên tòa xét xử kín mà không bao gồm các phiên tòa, phiên họp công khai.

Chồng chéo quy định xử phạt

Hành vi cản trở HĐTT cần được hiểu là hành vi cản trở hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Hành vi này có thể diễn ra tại trụ sở TAND, VKSND, cơ quan điều tra. Hành vi này có thể diễn ra tại phòng xử án hoặc có thể diễn ra ngoài phòng xử án (như các phiên tòa lưu động) miễn sao thỏa mãn mục đích là nhằm gây trở ngại cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải mọi hành vi gây trở ngại cho hoạt động tố tụng tại TAND đều là hành vi hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại TAND. Đơn cử, hành vi của bị cáo từ chối khai báo, nếu hiểu dưới góc độ chung thì việc từ chối khai báo của bị cáo sẽ gây cản trở cho việc xét xử vụ án của HĐXX. Tuy nhiên, việc từ chối khai báo của bị cáo lại là hành vi hợp pháp bởi bị cáo có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Như vậy, mặc dù một hành vi có thể gây cản trở cho HĐTT, nhưng nếu hành vi đó hợp pháp thì không thể bị xem là hành vi cản trở HĐTT.

Ngoài ra, một hành vi tuy trái pháp luật nhưng nếu đã được quy định chế tài trong nghị định xử phạt chuyên ngành thì không thể xem là hành vi cản trở HĐTT để xử phạt trong pháp lệnh, vì như thế là tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Điều 22 dự thảo pháp lệnh quy định xử phạt hành vi đưa tin sai sự thật, trong đó có các điều khoản riêng áp dụng đối với nhà báo. Tuy không nói rõ là đưa tin sai sự thật trên phương tiện gì nhưng có lẽ theo nhà làm luật, việc đưa tin này phải trên các sản phẩm báo chí như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Điều này có nghĩa là nếu việc đưa tin sai sự thật được thực hiện trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook… thì người đưa tin sai sự thật sẽ bị xử phạt theo Nghị định 15/2020. Lúc này đây, chủ thể có thẩm quyền sẽ xử phạt người đưa tin sai sự thật với tư cách là chủ thể thông thường - tức cá nhân vi phạm chứ không phải với tư cách chủ thể đặc biệt là nhà báo.

Việc pháp lệnh quy định xử phạt nhà báo đưa tin sai sự thật thì dường như đang hướng tới một địa chỉ cụ thể là sản phẩm báo chí. Nếu như vậy thì lại có sự không thống nhất với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí được nêu ở Nghị định 119/2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).

Hiện nay, Điều 8 Nghị định 119/2020 quy định mức tiền phạt rất cụ thể đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật với mức phạt lên đến 100 triệu đồng và được áp dụng đối với cơ quan báo chí. Điều này là hợp lý, bởi lỗi trong trường hợp này thuộc về cơ quan báo chí (lỗi trong việc thu thập, thẩm định, biên tập và đăng, phát thông tin) chứ không thuộc về cá nhân nhà báo nào cả.

Cũng cần lưu ý thêm là trong quá trình tác nghiệp, nhà báo có thể là người trực tiếp tìm kiếm và đưa thông tin về cho cơ quan báo chí nhưng thông tin này là chưa chính thức mà chỉ ở dạng tiềm năng. Một khi ở dạng tiềm năng thì không thể đánh giá là sai sự thật hay đúng sự thật. Thông tin tiềm năng này muốn trở thành tin chính thức phải trải qua hàng loạt khâu thẩm định, biên tập và được đăng tải công khai trên ấn phẩm báo chí.

Khi đã được thể hiện trên ấn phẩm báo chí mà được chứng minh là sai sự thật thì cơ quan báo chí sẽ bị xử phạt theo Điều 8 Nghị định 119/2020 như đã nêu trên. Do đó, việc pháp lệnh quy định xử phạt hành vi “đưa tin sai sự thật” của nhà báo là không thỏa đáng và cũng không thỏa mãn về cấu thành của một vi phạm hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm