Đề xuất xử phạt nhà báo: Dự thảo Pháp lệnh không đồng bộ với luật chuyên ngành

(PLO)-  Để tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần thực hiện thẩm quyền giải thích pháp luật để làm rõ một số vấn đề tại dự thảo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đăng tải công khai dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (HĐTT) (dự thảo 5) trên cổng thông tin điện tử của UBTVQH.

Qua theo dõi một số ý kiến băn khoăn về đề xuất xử phạt nhà báo tại dự thảo này, tôi cho rằng có một số vấn đề cần xem xét.

Đông đảo báo chí tham gia ghi âm, ghi hình và đưa tin phiên tòa xử cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài. Ảnh: H.Y
Đông đảo báo chí tham gia ghi âm, ghi hình và đưa tin phiên tòa xử cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài. Ảnh: H.Y

Không đồng bộ nên có nhiều cách hiểu

Các quy định về xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở HĐTT trong dự thảo pháp lệnh của UBTVQH là sự cụ thể hóa các hành vi vi phạm trong các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Liên quan đến việc nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa, khoản 4 Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 và khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) năm 2015 quy định “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, những người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”. Nếu không thực hiện đúng các quy định này thì nhà báo sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể hóa nội dung này, Điều 23 dự thảo pháp lệnh quy định một số vi phạm nội quy phiên tòa của nhà báo sẽ bị xử phạt. Chẳng hạn, theo điểm c và d khoản 4 Điều này thì nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hay ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ thì sẽ bị phạt tiền 7-15 triệu đồng.

ThS Nguyễn Nhật Khanh, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM

ThS Nguyễn Nhật Khanh, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM

Tuy không có quy định giải thích cụ thể nhưng có thể hiểu “phiên tòa” được đề cập trong điều khoản này bao gồm: Phiên tòa xét xử vụ án hình sự, phiên tòa xét xử vụ án dân sự và phiên tòa xét xử vụ án hành chính.

Điều đáng nói là quy định về việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX, người tham gia tố tụng chỉ được nêu tại BLTTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015. Trong khi đó, quy định về nội quy phiên tòa tại Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì không có quy định về nội dung này. Điều này dẫn đến cách hiểu khi tác nghiệp tại phiên tòa hình sự, nhà báo sẽ có quyền ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh của HĐXX hoặc người tham gia tố tụng (trong đó có bị cáo) mà không cần phải xin phép do pháp luật không cấm. Từ đó dẫn đến sự mâu thuẫn giữa BLTTHS năm 2015 và dự thảo Pháp lệnh về xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở HĐTT. Nếu xét về hiệu lực thi hành thì BLTTHS năm 2015 sẽ được áp dụng vì có giá trị pháp lý cao hơn.

Do đó, để tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật, tôi cho rằng UBTVQH cần thực hiện thẩm quyền giải thích pháp luật tại khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 để ban hành Pháp lệnh giải thích rõ đối với phiên tòa hình sự thì nhà báo có được quyền ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX, người tham gia tố tụng hay không? Có cần phải xin phép Chủ tọa phiên tòa, người tham gia tố tụng hay không? Quy định về xử phạt đối với việc ghi âm, ghi hình ảnh có áp dụng tại phiên tòa hình sự hay không?

Ngoài ra, tôi cho rằng cần phải quy định rõ thủ tục lấy ý kiến ghi nhận sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, người tham gia tố tụng khi nhà báo thực hiện việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên tòa. Hiện nay, Quy chế tổ chức phiên tòa theo Thông tư số 02/2017 của TAND Tối cao chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên cần phải bổ sung trong thời gian tới.

Cần tạo điều kiện để nhà báo tác nghiệp tại tòa

Bên cạnh quy định về việc xử phạt khi ghi âm ghi hình đối với nhà báo, dự thảo pháp lệnh còn quy định về việc xử phạt nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa.

Cụ thể, điểm l khoản 2 Điều 23 dự thảo quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Từ đó, nhiều quan điểm cho rằng căn cứ vào câu chữ của điều khoản này thì khi nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa mà không xuất trình đầy đủ hai loại giấy tờ là “thẻ nhà báo” và “giấy giới thiệu công tác” thì sẽ bị xử phạt.

Theo tôi, việc yêu cầu nhà báo phải xuất trình đầy đủ hai loại giấy tờ nêu trên sẽ gây khó khăn khi thực hiện tác nghiệp. Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 quy định rất rõ chức năng của báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Chức năng này chỉ có thể thực hiện được trên thực tế khi nhà báo được tạo các điều kiện thuận lợi nhất khi tác nghiệp.

Ngoài ra, Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Nhà báo có quyền hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Do vậy, theo tôi chỉ cần nhà báo xuất trình được thẻ nhà báo là đủ điều kiện tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa. Đối với những người làm việc tại cơ quan báo chí nhưng chưa phải là nhà báo (không có thẻ nhà báo) mới nên yêu cầu phải xuất trình giấy giới thiệu công tác của cơ quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm