Có nên giới hạn mức phạt cọc không quá 5 lần mức tiền đặt cọc?

(PLO)- Theo các chuyên gia, việc giới hạn mức phạt cọc không được vượt quá 5 lần mức tiền đặt cọc là không có cơ sở và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO thông tin, TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc.

Đáng chú ý, dự thảo đưa ra hai phương án để lấy ý kiến về mức phạt cọc tại Điều 6 dự thảo

Phương án 1: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.

Phương án 2: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 BLDS 2015 nhưng không vượt quá 5 lần mức tiền đặt cọc. Trường hợp bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc thỏa thuận về mức phạt cọc vượt quá 5 lần giá trị tài sản đặt cọc thì khi giải quyết tranh chấp, tòa án chỉ chấp nhận phạt cọc bằng 5 lần mức tiền đặt cọc.

phat-coc.jpg
Hình minh họa

Không nên giới hạn mức phạt cọc

Góp ý, luật sư Nguyễn Trương Văn Tài (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hợp đồng đặt cọc là sự thỏa thuận thể hiện ý chí của các bên và sẽ ràng buộc các bên phải thực hiện hợp đồng. BLDS không quy định mức phạt cọc tối đa mà các bên được phép thỏa thuận.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 328 BLDS 2015 quy định: Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

"Thỏa thuận khác" ở đây được hiểu là các bên có thể thỏa thuận mức phạt cọc khác với quy tắc "một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc". Từ đó, có thể hiểu các bên có thể thỏa thuận về việc phạt cọc gấp nhiều lần giá trị tài sản đặt cọc hoặc ngược lại phạt cọc với số tiền nhỏ hơn giá trị tài sản đặt cọc và không bị giới hạn, miễn sao các bên cảm thấy có sự bảo đảm cho sự giao kết và thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đặt cọc.

Các bên có quyền xác lập, thực hiện giao dịch đặt cọc và kể cả điều khoản phạt cọc trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết và thỏa thuận với nhau miễn những thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Vì vậy, theo luật sư Tài, phương án 1 phù hợp với nguyên tắc tự do thỏa thuận (nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự) tại Điều 3 BLDS 2015 và đúng với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, luật sư Tài ủng hộ phương án này.

Cả hai phương án đều không ổn

Trong khi đó, GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) thì cho rằng cả hai phương án đều không ổn và không nên theo phương án nào.

Cụ thể, phương án 1 theo hướng các bên “có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” là không cần thiết.

Thực tế, BLDS hiện hành đã quy định rõ về khả năng thỏa thuận này. Bởi lẽ, cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” tại khoản 2 Điều 328 BLDS đương nhiên được hiểu các bên được thỏa thuận mức phạt khác với khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Thực tiễn cũng chưa thấy khó khăn nào trong việc các bên thỏa thuận khác khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Còn phương án thứ 2 theo hướng giới hạn mức phạt cọc không được vượt quá 5 lần mức tiền đặt cọc. Nếu vượt quá 5 lần giá trị tài sản đặt cọc thì khi giải quyết tranh chấp, tòa án chỉ chấp nhận phạt cọc bằng 5 lần mức tiền đặt cọc. Hướng này lại hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và trái với nguyên tắc về hạn chế tự do trong pháp luật Việt Nam.

Bởi theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Theo tinh thần của quy định này, giới hạn các quyền chỉ có thể được tiến hành khi đáp ứng cùng lúc hai điều kiện: Phải thực sự là trường hợp “cần thiết” và việc giới hạn này phải được quy định trong “luật”, tức văn bản do Quốc hội ban hành.

Ở đây, chưa có cơ sở để khẳng định việc giới hạn mức phạt theo thỏa thuận như trong dự thảo là “cần thiết” và Nghị quyết chỉ là văn bản “dưới luật”, không là “luật” nên nội dung phương án hai là trái với tinh thần của Hiến pháp.

Cạnh đó, theo GS.TS Đỗ Văn Đại, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam là cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng (khoản 2 Điều 3 BLDS).

Vì vậy, theo GS.TS Đại, chừng nào không có “điều cấm của luật”, chừng đó các chủ thể được tự do thỏa thuận trong nếu không trái đạo đức xã hội. Không có cơ sở để cho rằng mức phạt cọc theo thỏa thuận hơn 5 lần tài sản đặt cọc là trái đạo đức xã hội hay vi phạm điều cấm nên hướng của phương án 2 là không thuyết phục.

Hướng dẫn tại dự thảo là không cần thiết

Trong thực tế, đa phần đặt cọc được tiến hành để bảo đảm việc giao kết (và có thể cả việc thực hiện) hợp đồng như để giao kết hợp đồng mua bán.

Ở thời điểm đặt cọc, các bên trong tình trạng hứa giao kết và việc hứa giao kết này được bảo đảm bằng đặt cọc. Rất khó để đánh giá việc hứa giao kết trị giá bao nhiêu tiền nên ấn định mức phạt tối đa bằng 5 lần tài sản đặt cọc là không có cơ sở. Ở giai đoạn này, các bên vẫn hoàn toàn tự chủ trong việc quyết định giao kết hay không giao kết hợp đồng và trong việc ấn định mức phạt nên nếu bên đặt cọc yêu cầu mức phạt quá cao thì bên nhận cọc có thể từ chối xác lập đặt cọc, từ chối giao kết hợp đồng. Vì vậy, Nghị quyết không cần phải can thiệp thay để bảo vệ bên nhận cọc.

Nhìn một cách tổng thể, quy định trong dự thảo về mức phạt cọc là không thuyết phục, không cần thiết và trái với nguyên tắc cơ bản về tự do cam kết, thỏa thuận. Việc giới hạn mức phạt cọc không thuộc vai trò của Nghị quyết. Nếu thực sự chứng minh được sự cần thiết phải giới hạn mức phạt, cách thức giới hạn không phải là thông qua văn bản hướng dẫn của tòa án mà cần sự can thiệp của Quốc hội thông qua văn bản Luật theo tinh thần của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

GS.TS ĐỖ VĂN ĐẠI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm