TAND Tối cao đề xuất 2 phương án về giới hạn mức tiền phạt cọc

(PLO)- TAND Tối cao lấy ý kiến về việc có giới hạn mức tiền phạt cọc khi các bên thỏa thuận hay không và mức giới hạn phạt cọc là bao nhiêu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của HĐTP TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc.

Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến trong bối cảnh từ khi BLDS 2015 có hiệu lực, vẫn chưa có văn bản QPPL được ban hành để hướng dẫn cụ thể các vấn đề tranh chấp về đặt cọc.

Trước đó, một số nội dung về giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc được HĐTP TAND Tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2003.

phạt cọc
TAND Tối cao đề xuất hai phương án về giới hạn mức tiền phạt cọc khi các bên giao kết hợp đồng. Ảnh minh họa: QUANG HUY

2 phương án về mức phạt cọc

Khoản 1, khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn: “Phạt cọc” là thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của luật, theo đó nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì ngoài việc phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc còn phải trả cho bên đặt cọc một khoản tiền.

Nếu các bên không thỏa thuận phạt cọc thì trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì nếu bên đặt cọc yêu cầu, bên nhận đặt cọc vẫn phải trả cho bên đặt cọc một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 không sử dụng cụm từ "phạt cọc" mà cụm từ phạt cọc chỉ được sử dụng tại Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP.

Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Do đó, hướng dẫn tại dự thảo Nghị quyết làm rõ thế nào là phạt cọc và phạt cọc là luật định, các bên không có thỏa thuận mức phạt cọc khác với luật thì vẫn có quyền được nhận phạt cọc một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Về việc phạt cọc, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án để lấy ý kiến.

Phương án 1: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo phương án này, không giới hạn mức tiền phạt cọc mà các bên có thể thỏa thuận. Quy định như vậy đảm bảo thực hiện đúng khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013 và khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Phương án 2: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 nhưng không vượt quá 5 lần mức tiền đặt cọc.

Trường hợp bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc thỏa thuận về mức phạt cọc vượt quá năm lần giá trị tài sản đặt cọc thì khi giải quyết tranh chấp, Tòa án chỉ chấp nhận phạt cọc bằng năm lần mức tiền đặt cọc.

TAND Tối cao cho rằng, quy định theo phương án này nhằm mục đích hạn chế tình trạng nhiều trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt cọc rất cao (10 hoặc 20 lần giá trị tài sản đặt cọc) và tương ứng với quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Xử lý tranh chấp về đặt cọc

Tiếp tục kế thừa Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP, dự thảo cũng hướng dẫn trường hợp có tranh chấp về đặt cọc mà các bên không có thoả thuận khác về việc xử lý đặt cọc như sau:

(i) Trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọc theo quy định tại khoản 2 Điều 328 của Bộ luật Dân sự 2015.

(ii) Trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mới có sự vi phạm làm cho hợp đồng không được thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc. Việc giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo thủ tục chung.

(iii) Trường hợp các bên có thoả thuận hoặc luật có quy định điều kiện nếu đặt cọc bị vô hiệu là hợp đồng cũng bị vô hiệu, thì hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu khi đặt cọc đó bị vô hiệu. Việc xử lý đặt cọc bị vô hiệu và hợp đồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật Dân sự (Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu).

Dự thảo nêu ví dụ: A và B giao kết hợp đồng mua bán nhà. Khi giao kết hai bên thoả thuận B (bên mua) phải giao cho A (bên bán) một chiếc xe ô tô thể thao để đặt cọc bảo đảm cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở với điều kiện khi hợp đồng mua bán nhà ở được giao kết và thực hiện thì giá trị chiếc xe ô tô thể thao đó phải được trừ vào tiền mua bán nhà và nếu A không nhận được chiếc xe ô tô đó do việc đặt cọc bị vô hiệu thì hợp đồng cũng bị vô hiệu.

Khi bắt đầu thực hiện hợp đồng thì phát hiện chiếc xe ô tô đó là của ông C (bố B) và ông C không đồng ý cho B lấy chiếc xe ô tô đó trừ vào tiền mua nhà, có nghĩa là việc đặt cọc bị vô hiệu và do đó trong trường hợp này hợp đồng mua bán nhà cũng bị vô hiệu.

(iv) Trong các trường hợp tại mục (i), (iii) nêu trên, nếu cả hai bên cùng có lỗi hoặc trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì không phạt cọc.

Ví dụ: Hợp đồng đặt cọc để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán nhà có thỏa thuận trong một thời gian nhất định bên nhận đặt cọc phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, nếu vi phạm thì phải chịu phạt cọc.

Hết thời hạn theo thỏa thuận, bên nhận đặt cọc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà do nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp này, phải xác định việc bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết là do khách quan và bên nhận đặt cọc không phải chịu phạt cọc.

Cuối cùng, trường hợp có thỏa thuận khác, Tòa án xem xét, quyết định phạt cọc theo quy định tại khoản 2 Điều 328 của Bộ luật Dân sự mà không áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 419 của Bộ luật Dân sự, không tính lãi đối với khoản tiền phạt cọc.

Bạn đọc có thể góp ý cho dự thảo của TAND Tối cao tại đây: DỰ THẢO

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Trên cơ sở những vướng mắc của một số Tòa án địa phương đề nghị xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp đặt cọc, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc được thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trường hợp bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc chỉ yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng có trụ sở quy định tại điểm m khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm