Sau hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo Luật Công chứng (sửa đổi) để giải quyết một số hạn chế, bất cập đã bộc lộ qua thực tiễn thi hành.
Dự thảo Luật dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 tới đây.
8 trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những điểm mới của dự luật so với Luật Công chứng 2014 là quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên theo hướng chặt chẽ, rõ ràng hơn để nâng cao chất lượng hành nghề của công chứng viên. Trong đó có việc bổ sung đối tượng không được bổ nhiệm công chứng viên.
Cụ thể, Điều 12 dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã quy định 8 nhóm trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên.
(1) Không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 8 của Luật này.
(2) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
(3) Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(4) Người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
(5) Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức của Phòng công chứng hoặc viên chức, công chức khác của Sở Tư pháp thuộc đối tượng điều động, luân chuyển về Phòng Công chứng sau khi được bổ nhiệm công chứng viên; đang là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
(6) Người đang là thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá hoặc đang kiêm nhiệm các công việc theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 của Luật này (làm việc theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác; giữ chức danh lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoặc tham gia các công việc mà thường xuyên phải làm việc trong giờ hành chính).
(7) Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm; công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc.
(8) Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực; người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng đó.
Làm rõ nhiều quy định hơn so với Luật hiện hành
Như vậy, so với Luật Công chứng 2014, dự thảo đã bổ sung thêm trường hợp không bổ nhiệm công chứng viên là người đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức của Phòng công chứng hoặc viên chức, công chức khác của Sở Tư pháp thuộc đối tượng điều động, luân chuyển về Phòng Công chứng sau khi được bổ nhiệm công chứng viên; đang là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân...
Dự thảo cũng quy định rõ: Người đang là thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá hoặc đang kiêm nhiệm các công việc theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 của Luật này; người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, quản tài viên, bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá mà chưa hết thời hạn 3 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng đó không được bổ nhiệm công chứng viên.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng nêu việc không bổ nhiệm công chứng viên đối với người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gồm ba biện pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tức không áp dụng đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Điều này là phù hợp, bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay quy định biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng áp dụng với người dưới 18 tuổi. Với độ tuổi dưới 18 thì những người này cũng không đủ điều kiện để được bổ nhiệm công chứng viên.