5 đề xuất mới về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng viên

(PLO)- Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi quy định công chứng viên phải gia nhập Hội công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, khai mạc ngày 20-5 tới đây.

Dự thảo Luật gồm 10 chương, 79 Điều. Trong đó có 9 Điều (từ Điều 8 đến Điều 16) quy định về: Điều kiện, tiêu chuẩn công chứng viên (CCV); đào tạo nghề công chứng; tập sự hành nghề công chứng; bổ nhiệm CCV; những trường hợp không được bổ nhiệm CCV; tạm đình chỉ hành nghề công chứng; miễn nhiệm CCV; bổ nhiệm lại CCV; quyền và nghĩa vụ của CCV.

công chứng viên
Người dân đến công chứng tại một phòng công chứng (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG GIANG

Bỏ quy định miễn đào tạo nghề công chứng

So với Luật Công chứng 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) về những nội dung trên có nhiều điểm mới.

Thứ nhất, về đào tạo nghề công chứng: Dự thảo Luật quy định những đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định tại Điều 10 Luật Công chứng hiện hành như luật sư đã hành nghề từ đủ 5 năm trở lên; người đã làm thẩm phán, kiểm sát viên từ đủ 5 năm trở lên... sẽ phải tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng (khoản 3 Điều 9 dự thảo).

Thứ hai, về tập sự hành nghề công chứng (Điều 10): Dự thảo quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng để giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn (Hiện tại thời gian tập sự là 6 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng).

Đồng thời, dự thảo Luật quy định rõ người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự; bổ sung quy định trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm CCV thì giấy chứng nhận hết hiệu lực.

Thứ ba, về hành nghề công chứng: Để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi (Điều 8, Điều 14, Điều 15).

Ngoài ra, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật Công chứng sửa đổi có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Công chứng viên có nghĩa vụ từ chối công chứng giao dịch trái luật

Điểm mới thứ tư là về quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên: Dự thảo Luật quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn để nâng cao chất lượng hành nghề của CCV, đồng thời thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật đã đơn giản hóa thành phần hồ sơ và giảm bớt thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị.

Cụ thể, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV gồm 7 loại giấy tờ theo quy định của Luật Công chứng hiện hành được giảm xuống chỉ còn 3 loại giấy tờ gồm: Đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khoẻ .

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung thêm một số trường hợp không được bổ nhiệm CCV (Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức của Phòng công chứng hoặc viên chức, công chức khác của Sở Tư pháp thuộc đối tượng điều động, luân chuyển về Phòng Công chứng sau khi được bổ nhiệm công chứng viên...), trường hợp bị miễn nhiệm CCV, trường hợp được và không được bổ nhiệm lại CCV cũng như hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm lại CCV theo hướng chỉ được bổ nhiệm lại CCV sau một thời hạn nhất định nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng quy định này để thường xuyên đề nghị miễn nhiệm rồi bổ nhiệm lại CCV chỉ trong một thời gian ngắn...,

Bổ sung thêm trường hợp bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng đối với CCV bị tạm đình chỉ tư cách hội viên của Hội CCV, vì CCV có nghĩa vụ gia nhập và duy trì tư cách hội viên Hội CCV nên nếu CCV bị tạm đình chỉ tư cách hội viên Hội CCV thì phải tạm đình chỉ hành nghề công chứng.

Thứ năm, về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao trách nhiệm của CCV, như: Có quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký cá nhân, chứng thực chữ ký người dịch; quyền khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu theo quy định pháp luật để thực hiện việc công chứng.

Quy định rõ nghĩa vụ phải “gia nhập Hội CCV tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó”; bổ sung quy định CCV có nghĩa vụ bảo đảm giờ làm việc theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng mà mình đang hành nghề; quyền của CCV được từ chối yêu cầu công chứng được chuyển thành nghĩa vụ từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm