Đề xuất mới về thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng

(PLO)- Theo dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, hiệu lực của văn bản công chứng được tính kể từ thời điểm được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, khai mạc ngày 20-5 tới đây.

Dự thảo Luật gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 Điều, giảm bớt 11 Điều và bổ sung 9 Điều mới trong tổng số 81 Điều của Luật Công chứng 2014 có nhiều nội dung mới.

hiệu lực của văn bản công chứng
Đề xuất hiệu lực của văn bản công chứng được tính kể từ thời điểm được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Theo Tờ trình ngày 1-3 của Chính phủ, tại phần chung của dự luật có bốn điểm mới so với Luật Công chứng 2014.

Thứ nhất, xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên (CCV), theo đó công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng (khoản 1 Điều 2).

Thay vào đó, dự thảo Luật đã giao cho CCV thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vì có thêm lựa chọn khi có nhu cầu chứng nhận bản dịch, đồng thời góp phần giảm tải công việc cho các Phòng Tư pháp cấp huyện đang thực hiện nhiệm vụ này.

Như vậy, cùng với việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân theo quy định của Luật Công chứng hiện hành, CCV sẽ có thẩm quyền thực hiện thêm một loại việc chứng thực là chứng thực chữ ký người dịch.

Thứ hai, dự thảo bổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc CCV thực hiện việc công chứng giao dịch.

Như vậy, mặc dù CCV được giao thực hiện một số việc chứng thực song nếu CCV không công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng (khoản 5 Điều 2). Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xác minh, xem xét xử lý vi phạm trong quá trình hành nghề của CCV.

Thứ ba, bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm mới đối với CCV, TCHNCC, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, góp phần phát triển đội ngũ CCV chất lượng cao và các TCHNCC ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng (Điều 7).

Thứ tư, sửa đổi quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng để đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với quy định pháp luật có liên quan (khoản 1 Điều 5 dự thảo).

Cụ thể, Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng tính "kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng". Nay, dự thảo quy định văn bản công chứng có hiệu lực "kể từ thời điểm được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng".

Như vậy, thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng được tính theo thời điểm CCV ký và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu thay vì tính theo ngày ký và đóng dấu như hiện nay.

Cũng theo dự thảo, văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, là cơ sở để các bên tham gia giao dịch đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịch có thỏa thuận khác.

Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm