Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong ba trường hợp, trong đó có trường hợp vì “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.
Với quy định này khi đi vào thực tiễn áp dụng thì “lý do chính đáng khác” có thể được áp dụng tùy nghi, tức là do sự nhận định “sự chính đáng” của công chứng viên vào từng trường hợp cụ thể…
Còn dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bổ sung thêm một số trường hợp cụ thể khác nhưng đồng thời cũng bỏ đi quy định vì “có lý do chính đáng khác”.
Có thể thấy khi ban hành Luật Công chứng 2014 nhà làm luật đã quy định theo hướng “mở”. Còn dự thảo sửa đổi lần này quy định theo hướng “đóng”, tức chỉ sáu trường hợp được liệt kê.
Việc quy định “đóng khung” những trường hợp công chứng ngoài trụ sở có ưu điểm là tạo sự áp dụng thống nhất, tránh sự tùy nghi trong hiểu và vận dụng các quy định, đôi khi lợi dụng quy định này làm mất đi ý nghĩa của điều luật, là hoạt động công chứng chủ yếu phải được thực hiện tại trụ sở, nơi có đầy đủ điều kiện nhân sự và vật chất đảm bảo tính độc lập, công khai, minh bạch của việc công chứng; tránh tình trạng lộn xộn, “bình dân hóa” hoạt động công chứng.
Tuy nhiên, cách quy định này đã “đóng khung” các trường hợp mà chắc chắn nhà làm luật không dự liệu hết được các tình huống phát sinh trên thực tế nên khi đi vào thực tiễn áp dụng có thể bị vênh ngay.
Ví dụ hai trường hợp được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy 2021, đó là trường hợp người dưới 18 tuổi có thể bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với thời gian 6-12 tháng (đây không phải là trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính - được công chứng ngoài trụ sở, quy định tại dự thảo). Nếu trong trường hợp họ là người nhận di sản thừa kế thì cũng nên áp dụng công chứng ngoài trụ sở để thực hiện các thủ tục về khai nhận di sản thừa kế.
Hoặc trường hợp một người trên 18 tuổi đang cai nghiện tự nguyện ở cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện theo Điều 31 Luật Phòng, chống ma túy, trong trường hợp họ muốn tặng cho, mua bán tài sản hợp pháp của họ thì cũng cần áp dụng thủ tục công chứng ngoài trụ sở.
Lưu ý rằng cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do giám đốc Sở LĐ-TB&XH cấp phép nên cũng không xem là cơ sở y tế thực hiện điều trị nội trú như dự thảo.
Hơn nữa, quy định “đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở” cũng là một quy định cần được hướng dẫn, nếu không cũng sẽ áp dụng tùy nghi, vì xác định được phạm vi “công việc đặc thù” cũng không dễ.
Rõ ràng luật không thể dự liệu hết các tình huống phát sinh trên thực tế, vì vậy sau khi liệt kê các trường hợp phổ biến như dự thảo hiện hành, cần thêm một khoản “các trường hợp khác do Chính phủ (hoặc Bộ Tư pháp) quy định”.
Đây là kỹ thuật lập pháp khá phổ biến, nhằm đảm bảo luật có tính ổn định, cũng như tạo sự linh động cho các cơ quan quản lý trực tiếp về hoạt động công chứng khi có các tình huống phát sinh trong đời sống thực tiễn ngày càng đa dạng.
Hiện nay, Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định trên như sau:
Có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc một trong sáu trường hợp sau: (i) Không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; (ii) Đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế; (iii) Đang bị tạm giữ, tạm giam; (iv) Đang thi hành án phạt tù; (v) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; (vi) Đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.