GÓP Ý SỬA LUẬT CÔNG CHỨNG - Bài cuối

Công chứng ngoài trụ sở: Hạn chế không phải là giải pháp

(PLO)- Để giải quyết tình trạng "lạm dụng" việc công chứng ngoài trụ sở thì việc bỏ quy định "có lý do chính đáng khác" không phải là giải pháp mà thay vào đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Công chứng 2014 đang được sửa đổi với mục tiêu khắc phục những bất cập, hạn chế và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng.

Nội dung dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó quy định về địa điểm công chứng sẽ có nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động, giao dịch hàng ngày của người dân, tổ chức hành nghề công chứng...

Nên “mở” hay “đóng” quy định công chứng ngoài trụ sở?

So sánh với Luật Công chứng 2014 (Luật hiện hành), thì dự thảo kế thừa toàn bộ quy định “Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này” (Khoản 1 Điều 44). Tuy nhiên, về các trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 2 thì dự thảo quy định khác biệt so với luật hiện hành.

Cụ thể, dự thảo bổ sung thêm 3 trường hợp được công chứng ngoài trụ sở hoàn toàn mới, bao gồm: (1) Đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế; (2) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; (3) Đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Riêng trường hợp “Không thể đi lại được vì lý do sức khỏe” là sự kế thừa nhưng có điều chỉnh từ quy định “Người già yếu, không thể đi lại được” tại Luật hiện hành.

Công chứng ngoài trụ sở
Người dân thực hiện công chứng hợp đồng tại văn phòng công chứng trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Có thể thấy, những trường hợp mới được dự thảo bổ sung, cũng như điều chỉnh nêu trên, chính là việc cụ thể hoá, liệt kê hoá các trường hợp “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng” tại Luật hiện hành. Đây là một điểm tiến bộ, tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.

Tuy vậy, điểm đáng chú ý là dự thảo sau khi liệt kê bổ sung thêm các trường hợp công chứng ngoài trụ sở, thì cũng đồng thời cũng bỏ quy định “hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.

Nói cách khác, nếu Luật hiện hành quy định theo hướng “mở” (có bao gồm liệt kê một số trường hợp), thì dự thảo sửa đổi lại quy định theo hướng “đóng”, ngoài những trường hợp được dự thảo liệt kê, không còn trường hợp nào khác được công chứng ngoài trụ sở.

Lý giải cho sự thay đổi này, Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định theo hướng “đóng” là bảo đảm nguyên tắc của công chứng La tinh và truyền thống của công chứng Việt Nam là công chứng trực tiếp tại trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Bên cạnh đó, hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp chứ không phải kinh doanh dịch vụ thông thường do đó cần bảo đảm tính nghiêm túc.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng điều này là chưa thật sự thuyết phục. Bởi lẽ, tại Khoản 1 Điều 44 Luật Công chứng 2014, cũng như dự thảo đều thống nhất quy định “Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này”. Quy định này chính là thể hiện việc công chứng về nguyên tắc phải được thực hiện tại trụ sở của TCHNCC. Các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 44 chính là những “ngoại lệ”, những “trường hợp thực sự đặc biệt”.

Do đó, quy định theo phương pháp vừa liệt kê, vừa quy định “mở” như Luật hiện hành hay quy định theo kiểu liệt kê “đóng” như dự thảo, đều không làm thay đổi nguyên tắc việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở, trừ những trường hợp ngoại lệ.

Bên cạnh đó, vốn dĩ hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hoạt động công chứng đều có những quy định “điều chỉnh riêng” đối với hoạt động công chứng, với tính chất là hoạt động bổ trợ tư pháp, chứ không phải kinh doanh dịch vụ thông thường.

Việc này thể hiện rất rõ từ các quy định liên quan đến việc đào tạo, bổ nhiệm công chứng viên, việc thành lập, hoạt động của TCHNCC. Ví dụ: Phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập thay vì Sở Kế hoạch và Đầu tư như đối với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường. Đó là chưa kể đến việc quản lý, giám sát hết sức chặt chẽ, hết sức đặc thù trong quá trình thành lập, hoạt động đối với loại hình này.

Do đó, lý do cần bảo đảm tính nghiêm túc do hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, dẫn đến bỏ quy định “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng” là chưa thuyết phục.

sua-luat-cong-chung.jpg
Người dân làm thủ tục tại Phòng Công chứng số 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Siết lại cũng khó giải quyết được thực trạng

Ngoài ra, nếu nhận định của Bộ Tư pháp về tình trạng TCHNCC lạm dụng quy định “lý do chính đáng khác” để ký ngoài trụ sở là đúng với thực tế, thì việc bỏ quy định “có lý do chính đáng khác” cũng không phải là giải pháp có thể giải quyết được thực trạng này.

Bởi vì, việc “lạm dụng” quy định trên là vấn đề thuộc về khâu thực hiện, về ý thức tuân thủ pháp luật, chứ không phải xuất phát từ nội tại quy định có bất cập.

Hiện nay, về khung pháp lý để điều chỉnh hành vi của công chứng viên (CCV), TCHNCC đã tương đối đầy đủ.

Ngay tại Điều 4 Luật Công chứng 2014 đã quy định các nguyên tắc hành nghề công chứng. Đồng thời, điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020 quy định rõ đối với hành vi “Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định” sẽ bị phạt tiền 3-7 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Luật hiện hành cũng quy định về trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng (Điều 38) và quyền đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (Điều 52).

Do đó, nếu việc công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định, thì ngoài việc bị xử phạt hành chính, phía CCV, TCHNCC còn phải đối mặt với vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn, văn bản công chứng bị tuyên bố vô hiệu.

Tôi cho rằng, một phần nguyên nhân của việc tồn tại thực trạng “lạm dụng” và vi phạm quy định về địa điểm công chứng nói riêng và các vi phạm khác nói chung, xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật, việc tuân theo Quy tắc đạo đức ứng xử hành nghề công chứng còn có điểm chưa đáp ứng được yêu cầu, việc xử lý vi phạm có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa nghiêm.

Mà nguyên nhân này chỉ có thể khắc phục thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng; hướng dẫn định hướng các CCV, TCHNCC thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật công chứng và văn bản hướng dẫn thi hành.

Cần cân nhắc về tuổi thọ của quy định

Nếu bỏ “có lý do chính đáng khác” ra khỏi quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật hiện hành, không những không giải quyết được thực trạng như trên đã phân tích, mà còn “làm giảm tuổi thọ” của quy định. Bởi lẽ, nhà làm luật không thể dự liệu hết tất cả các trường hợp “có lý do chính đáng” dẫn đến việc người yêu cầu công chứng không thể đến được trụ sở của TCHNCC, có thể xảy ra trong tương lai.

Một khi xảy ra trường hợp đó, không còn cách nào khác là buộc phải sửa đổi, bổ sung quy định nếu Khoản 2 Điều 44 đã quy định theo hướng liệt kê đóng như dự thảo.

Thực tế áp dụng Luật hiện hành đã chứng minh cho việc chúng ta thấy rằng không thể dự liệu hết tất cả các trường hợp. Cụ thể, Luật Công chứng 2006 được ban hành quy định ba trường hợp thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở bao gồm: (1) Người già yếu không thể đi lại được; (2) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù; (3) trường hợp có lý do chính đáng khác.

Luật hiện hành kế thừa toàn bộ quy định này, và đến nay tại dự thảo cũng đã phải bổ sung thêm các trường hợp chính đáng khác phát sinh từ thực tiễn.

Như vậy, nếu quy định “đóng” tại dự thảo được thông qua, khi phát sinh trường hợp “có lý do chính đáng” khác phát sinh thì sẽ giải quyết như thế nào? Sẽ tiếp tục sửa luật hay sao?

Do đó, dự thảo liệt kê bổ sung thêm mới các trường hợp cụ thể được công chứng ngoài trụ sở là cần thiết. Tuy nhiên, vẫn nên giữ quy định “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng” như cách thức quy định tại Luật Công chứng qua các thời kỳ.

CCV đến ngân hàng tạo thuận lợi cho khách hàng

Trao đổi với PLO, Giám đốc xử lý rủi ro của một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho biết: Hiện nay, CCV thực hiện việc công chứng giấy tờ rất linh động. Với những người già, hay vì ốm đau bệnh tật nên không thể di chuyển thuận tiện… thì các CCV cũng sẽ đến tận nhà để đối chiếu thực tế với các dữ liệu như vân tay, địa chỉ trên giấy tờ, CMND…

Trên thực tế, nhiều hoạt động nghiệp vụ tại ngân hàng đối với khách hàng cũng cần sự có mặt của CCV thay vì khách hàng đến phòng công chứng, văn phòng công chứng. Điều này được thực hiện với mục đích đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên trong giao dịch, nhất là giao dịch có sự tham gia của bên thứ ba như trường hợp hỗ trợ cho khách hàng bán tài sản đang thế chấp để trả nợ cho ngân hàng.

Khi có hồ sơ như vậy, ngân hàng chỉ cần thông báo, sẽ có công chứng viên sẽ có mặt để thẩm định hồ sơ, đối chiếu CMND, vân tay, chữ ký...

THÙY LINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm