Có nên sửa quy định về đèn vàng khi tham gia giao thông?

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng đèn tín hiệu giao thông đèn vàng, đèn xanh, đèn đỏ đều phải hiển thị thời gian để người lái xe có thể chủ động được việc dừng hay đi qua vạch dừng. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) do Bộ Công an soạn thảo được đưa ra Quốc hội để bàn luận, góp ý và xem xét thông qua. Theo đó, quy định về tín hiệu đèn giao thông được nhiều Đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến.

Một số ý kiến đề xuất cần xem xét lại quy định cấm vượt đèn vàng.

Dự thảo TTATGTĐB quy định về tín hiệu đèn giao thông được quy định như sau:

Màu của đèn tín hiệu giao thông gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông phải chấp hành như sau:

a) Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

b) Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định;

Nên hiển thị thời gian trên đèn tín hiệu giao thông

Liên quan đến vấn đề này, PLO cũng tổng hợp một số ý kiến từ các tài xế, chuyên gia như sau:

Ông Huỳnh Minh Châu, Phó Giám đốc Hyundai Đông Sài Gòn cho biết nếu cột đèn báo nào có báo số giây thì khi đèn vàng còn ngưng kịp, trường hợp không hiển thị số giây thì khó khăn cho người lái xe vì không biết còn bao lâu nữa qua vàng.

“Tôi thấy nhiều chỗ không có hiện số giây không đó là do hư hỏng hay như thế nào, nhưng nếu có số giây, thấy chuyển sang vàng là tôi sẽ ngừng chạy chứ không cố tình vượt”- ông Châu cho hay.

Theo ông Châu, nhiều trường hợp không hiển thị thời gian, đi gần đến mà đèn bất chợt chuyển qua vàng, vận tốc đang cao không thể ngừng, nên buộc phải chạy qua luôn. Vì nếu xe đang tới sát vạch dừng rồi, đèn chuyển sang vàng bất chợt thì tài xế khó mà thắng gấp kịp, nếu lúc đó thắng gấp cũng gây nguy hiểm giao thông.

“Đèn giao thông phải hiển thị thời gian bất kể là xanh, đỏ hay vàng chứ không nhất thiết phải sửa quy định. Riêng chỗ nào để đèn vàng nhấp nháy thì các tài xế cũng thường có thói quen sẽ đi chậm lại quan sát”- ông Châu đề xuất.

đèn vàng
Nhiều ý kiến cho rằng tín hiệu đèn giao thông cần hiển thị thời gian. Ảnh: TN

Tài xế NHT (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Có những lần vì điều chỉnh đèn vàng mà tài xế đã phải đền hàng chục triệu đồng vì làm hư hỏng hàng hoá, đặc biệt là các loại hàng như sữa. Khi chúng tôi đang di chuyển phải phanh gấp vì đèn chuyển sang vàng khiến cho hàng hoá bị đổ, dồn lại làm hư hỏng.”

Tài xế kể lại, anh từng chứng kiến ngay ngã tư Bà Điểm (Quận Bình Tân, TP.HCM), những lúc trời đang mưa, trơn trượt mà người điều chỉnh giao thông bỗng dưng chuyển đèn xanh sang đèn vàng bất ngờ, tài xế phải phanh gấp khiến cho hai bánh trước bị lướt rất nguy hiểm. Cũng may chiếc xe đó không có phanh hơi, vì phanh gấp như vậy khiến cho bánh sau quay vòng vòng là có thể gây nguy hiểm cho những xe dừng xung quanh, khu vực gần chiếc xe.

“Tôi cho rằng tất cả các cột đèn hệ thống giao thông phải có hiển thị thời gian, như vậy tài xế sẽ chủ động, cân nhắc để dừng trước vạch dừng. Đặc biệt, hệ thống hiển thị thời gian mặc định, không để lực lượng CSGT hay Thanh niên xung phong sửa đổi”- tài xế cho hay.

Anh tài xế cũng chia sẻ kinh nghiệm thêm, thông thường các tài xế sẽ dừng trước vạch dừng khi còn 3 giây đèn xanh, vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cả hàng hoá, người ngồi trên xe.

Vượt đèn vàng vừa bị phạt tiền vừa tước bằng lái xe

Trao đổi với PV, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM đồng quan điểm với việc lái xe đã giảm tốc độ, vừa chớm qua vạch dừng thì đèn vàng bật sáng, lúc này họ sẽ rất khó xử, bởi nếu đi tiếp thì trái luật, đứng im cũng không được vì luật quy định đèn vàng phải dừng lại trước vạch, lùi để trở lại trước vạch cũng không được vì luật cấm lùi ở đường giao nhau.

Theo luật sư Tuấn, Nghị định 100/2019, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, ngay cả người đi bộ cũng bị xử phạt hành chính, chứ không phải chỉ có ô tô, xe máy...

Theo đó hiện nay quy định chung về hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông với mức phạt là như nhau, cụ thể: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng hoặc 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn (theo điểm a khoản 5, điều 5).

Người chạy xe máy, xe mô tô, xe máy điện khi vượt đèn vàng, theo quy định mới thì bị phạt từ 600.000 - 1 triệu đồng (điểm e, khoản 4, điều 6), tước bằng lái xe từ 1-3 tháng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng hoặc 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn (điểm đ, khoản 5, điểm a, b khoản 10, điều 7).

Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (điểm đ, khoản 2, điều 8).

Người đi bộ vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt từ 60.000 - 100.000 đồng (điểm b, khoản 1, điều 9).

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019 sửa đổi Quy chuẩn 41:2016) quy định, tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đi quá vạch dừng hoặc quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp. Nếu có tín hiệu đèn vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện có thể tiếp tục di chuyển nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác.

“Vì vậy, nếu đèn vàng bật sáng mà người điều khiển xe chưa đi quá vạch dừng xe vẫn cố tình đi tiếp sẽ phạm lỗi vượt đèn vàng và bị xử phạt. Nên cần sửa đổi, bổ sung quy định đối với đèn vàng để phù hợp với thực tiễn”- luật sư Tuấn cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm