1. Năm lớp 1, đứa trẻ luôn được cô phê là nhút nhát, không tự tin và ít giơ tay phát biểu. Cô giáo của nó rất tâm lý nên nói chuyện với mẹ lẫn góp ý trong sổ để mẹ có "căn cứ" mà nói với con.
Năm lớp 2, đứa trẻ chạy về nhà, hí hửng khoe với mẹ là con vừa "giơ tay luôn" - í là khoe con đã tiến bộ rồi. Mẹ hồ hởi động viên con rồi hỏi con giơ tay khi nào nè. Con nói con giơ tay khi cô hỏi "em nào chỉ ở với mẹ mà không ở với ba" (và ngược lại). Trái tim người mẹ thấy đau...
Năm sau, cũng dịp đầu năm, đứa trẻ đó lớn hơn một chút, nó buồn vì mình phải giơ tay như thế trong những buổi đầu năm học vì "con không muốn những điều về con/gia đình con được tiết lộ thiếu tế nhị như vậy".
Tháng rồi, cô giáo của một học trò lớp 8 đã kể về thằng bé "bất cần" khi đầu năm học đã trả lời rành rọt, không ngại ngùng trước lớp là "con ở với ba, ba mẹ ly hôn rồi". Cô nghĩ nó phải ngại ngùng, phải xấu hổ chứ không bất cần như thế.
Nếu tìm hiểu thông tin để ghi vào sổ liên lạc là một bước bắt buộc, sao không chọn cách nhân văn hơn, trách nhiệm hơn với cảm xúc của học sinh?
2. Ngày 20-11, một đứa trẻ hí hửng ôm quà đến tặng thầy cô. Nó mặc đồ mới để sau đó liên hoan với lớp. Mẹ và nó đến chào thầy rồi nói với thầy là con gái có phần mất tập trung nên thầy chỉ dạy cũng cực ha thầy. Thầy nói thẳng vào mặt đứa bé: "Em X. không bằng người ta, chậm lắm nhưng mà thôi... cũng không đến nỗi nào".
Bà mẹ nắm tay con, tìm một chỗ trò chuyện, nói cho con nghe về bản thân, về sự tin tưởng. Nó ôm mẹ và nói: "Cám ơn mẹ luôn tin con".
Tối về, nó khóc hai cơn vì những chuyện vu vơ. Mẹ nó hiểu nó tổn thương mà chưa biết cách thể hiện.
Đó cũng giống như một trong số hơn 200 cái tát vào mặt học sinh... Nó cũng đau và đôi khi bất lực.