Theo báo cáo tổng kết công tác của VKSND TP.HCM, năm 2016, ở giai đoạn điều tra, VKS hai cấp ở TP đã tác động tới CQĐT đình chỉ điều tra 233 vụ/259 bị can, trong đó có bốn bị can do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được họ đã thực hiện hành vi tội phạm (điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS).
Bảy người được minh oan
Cụ thể, trưa 10-12-2012, tổ trinh sát hình sự đặc nhiệm Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM tuần tra đến đường Đồng Khởi (quận 1) thì phát hiện một thanh niên đi xe máy có dấu hiệu khả nghi nên bám theo. Đến giao lộ Đồng Khởi - Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, quận 1), thanh niên này cho xe leo lên lề giật ĐTDĐ của một phụ nữ đang đi bộ rồi rồ ga bỏ chạy. Các trinh sát đuổi theo đạp ngã xe và bắt người này. Tại cơ quan công an, người này khai tên Đỗ Đình Duy. Tuy nhiên, sau đó Công an quận 1 đã đình chỉ đối với ông Duy vì hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được ông đã thực hiện hành vi tội phạm.
Vụ khác, rạng sáng 13-8-2016, ông Lê Thanh Dương (20 tuổi) bị bắt giữ với cáo buộc vừa trộm chiếc iPhone 5 của một du khách quốc tịch Anh. Tuy nhiên, sau đó ông Dương được Công an quận 1 đình chỉ tội trộm cắp tài sản vì hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được ông đã thực hiện hành vi tội phạm.
Tương tự, tháng 2-2014, ông Nguyễn Minh Trí bị bắt giữ với cáo buộc giả gái dàn cảnh móc túi du khách. Đến nay ông Trí đã được Công an quận 1 đình chỉ về tội trộm cắp tài sản vì lý do này. Cùng lý do, ông Lại Văn Toán cũng được Công an TP.HCM đình chỉ về tội cưỡng đoạt tài sản với cáo buộc tham gia nhóm giang hồ kiêm cờ bạc bịp.
Bên cạnh đó, còn có một bị can được đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Bỉ được Công an huyện Bình Chánh đình chỉ về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.
Ở giai đoạn truy tố, trong năm, VKS đã đình chỉ điều tra hai bị can do hành vi không cấu thành tội phạm. Đó là vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin chào (được đình chỉ về tội kinh doanh trái phép) và vụ bà Trần Thị Huệ (được đình chỉ về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở).
Ngoài ra, trong cả hai giai đoạn điều tra và truy tố, có tổng cộng 211 bị can đã được đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà hành vi hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội (khoản 1 Điều 25 BLHS).
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: PL
Xử lý nghiêm người đứng đầu
Theo bà Huỳnh Thị Hon (Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM), trong kế hoạch công tác kiểm sát 2017, VKS hai cấp ở TP sẽ tập trung vào việc không để xảy ra đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ chú ý không để xảy ra việc miễn trách nhiệm hình sự sai dẫn đến bỏ lọt tội phạm, đồng thời chấm dứt lạm dụng việc đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS.
Đối với những vụ án có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, lãnh đạo VKS hai cấp sẽ chủ động rà soát giải quyết dứt điểm; kịp thời kháng nghị hoặc báo cáo kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm để xem xét minh oan cho người vô tội hoặc khắc phục trường hợp bỏ lọt tội phạm.
Cũng theo bà Hon, đối với trường hợp để xảy ra oan, sai nghiêm trọng thì phải tổ chức kiểm điểm ngay để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và thông báo rút kinh nghiệm. Đặc biệt, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, lãnh đạo phụ trách. Không bổ nhiệm chức vụ quản lý, chức danh tư pháp và điều chuyển làm công tác khác đối với lãnh đạo, kiểm sát viên có vi phạm, thiếu sót đã được chấn chỉnh nhưng không khắc phục.
“Oan sai gây tổn thương không gì bù đắp được”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị kiểm sát: “Cấp dưới làm sai cũng có trách nhiệm của cấp trên. Cấp trên đã hướng dẫn thế nào, cho ý kiến ra sao... Viện trưởng cần gương mẫu từ chuyện nhỏ như không hút thuốc nơi công cộng, không nhậu nhẹt trong giờ làm việc. Kiến nghị, kháng nghị khi thấy có vấn đề, không ngại va chạm, mất lòng. Nếu không kịp thời kháng nghị hoặc do ngại mà hết thời hạn kháng nghị thì báo lên trên”.
Ông Trí yêu cầu VKS các cấp phải thận trọng ngay từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác tội phạm: “Nếu lỡ có bỏ lọt tội phạm còn có thể khắc phục được nhưng để xảy ra oan sai rồi thì không thể khắc phục. Oan sai gây tổn thương không gì bù đắp được cho người vô tội nên chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội”.
Cạnh đó, ông Trí cũng nhắc lại vụ án cướp giật bánh mì: “Sao không xem tụi nhỏ như con em mình, khởi tố điều tra xong rồi cho về. Khi xử kêu tụi nhỏ tới mà xử chứ đằng này bắt tạm giam đến hai lần. Hành vi có tính chất nguy hiểm nhưng khi giải quyết phải toàn diện, khách quan, có lý có tình”.
Đã bồi thường xong hai vụ án oan Trong năm, VKSND TP.HCM đã giải quyết bồi thường xong cho bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng cùng ông Lê Quốc Dũng, đang giải quyết bồi thường oan cho bà Trần Thị Thuận, đang hướng dẫn việc đòi bồi thường oan của ông Chu Quang Hưng. Ở cấp huyện, VKSND huyện Cần Giờ đang thụ lý đơn yêu cầu bồi thường oan và xin lỗi công khai của anh Trần Hoàng Minh. Liên quan đến trách nhiệm phê chuẩn dẫn đến làm oan trong vụ “Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp” mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, VKSND TP.HCM cho biết đã đề nghị VKSND Tối cao xem xét xử lý kỷ luật nghiêm đối với lãnh đạo, kiểm sát viên VKSND huyện Bình Chánh. Phải nâng trình độ để hội nhập Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí hoan nghênh kinh nghiệm giải quyết án mà VKSND quận Gò Vấp báo cáo. Đó là khắc phục yếu kém bằng cách vụ án phức tạp thì giao cho người có kinh nghiệm và bản lĩnh, nếu giao cho người chưa có kinh nghiệm thì có người giỏi kèm. Ông Trí lưu ý: “Đơn vị nào thấy cán bộ yếu thì phải phối hợp với các trường để đào tạo lại. Ở TP.HCM, các án trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, tranh chấp lao động người nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia... rất nhiều. Do đó, cán bộ VKS phải nâng cao trình độ để hội nhập và làm tốt nhiệm vụ”. |