Trước đó, Đại tá Nguyễn Văn Quý (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị cách chức trưởng công an huyện và tước hết các chức vụ trong Đảng vì khởi tố oan nhiều người. Đây là tín hiệu tích cực trong việc trị nạn oan, sai vốn gây mất niềm tin của người dân vào cơ quan tố tụng.
1. Câu chuyện bị oan của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (ở Nhơn Trạch, Đồng Nai) bắt nguồn từ việc bà phát hiện ghe hút cát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng việc nuôi thủy sản nên báo sự việc cho chính quyền. Khi đến nơi, tổ công tác yêu cầu để ghe cát rời khỏi vị trí nên bà Ngọc lớn tiếng và giằng co. Thời điểm đó, bà Ngọc sợ công an không xử lý nên mới đu người lên ống bơm cát giữ ghe.
Gần tám tháng sau, ngày 19-4-2016, Công an huyện Nhơn Trạch khởi tố, bắt tạm giam bà Ngọc về hành vi chống người thi hành công vụ vì có hành vi cản trở việc giải quyết tình trạng khai thác cát gây ô nhiễm trên sông Thị Vải mà người dân phản ánh. Thế nhưng bà Ngọc cho rằng bà chính là người tố cáo tình trạng khai thác cát. Công an đến làm việc nhưng không lập biên bản tại chỗ để người dân xác nhận mà cố tình đưa ghe hút cát đi… Sau đó VKSND huyện Nhơn Trạch thừa nhận sai, tổ chức xin lỗi công khai vì đã làm oan bà Ngọc.
Rõ ràng trong vụ làm oan của bà Ngọc, người ta ít nhiều nhận thấy có dấu hiệu bà bị trả đũa vì đã tố cáo. Vì vậy, khi người làm oan bị cách chức, người ta thấy công lý đã được thực thi.
2. Ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tấn kinh doanh khi đang chờ cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Văn Bỉ cất chòi vịt trên đất nông nghiệp, bà Trần Thị Huệ xây nhà xưởng… đã bị khởi tố, có người bị truy tố. Sau đó cả ba đã được chính thức minh oan.
Về cách xử lý, người dân bị hàm oan sẵn sàng tha thứ như trường hợp ông Tấn tha thứ cho Đại tá Quý. Đó là truyền thống đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại - một truyền thống đầy giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Cơ quan nhà nước, người thực thi công vụ cần nhìn vào để sống sao cho xứng đáng với lòng mong mỏi, sự vị tha của người dân và thay đổi cách thức hành xử cho tử tế và đúng pháp luật hơn.
Việc làm sai của cơ quan nhà nước cũng như người thực thi công vụ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là suốt một thời gian dài công tác, các vị đều được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu tốt, trách nhiệm cao, đủ trình độ… Vậy mà khi bị phát hiện sai phạm thì tất cả lại đổ cho trình độ, do nhận thức. Như vậy, khi nhận nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân, liệu các vị đã trung thực về khả năng của mình?!
Nhận thức là cả một quá trình. Cả quá trình dài nhận thức tốt, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, vị trí công tác nhưng khi xem xét trách nhiệm thì lại nhận là không nhận thức tốt. Ai có thể tin được những lý do, nguyên nhân sai phạm của các vị như các vị đã giải trình!
3. Theo tôi, cách xử lý cán bộ làm oan như hai trường hợp nói trên là rất nghiêm. Đây là điển hình cần nhân rộng nhằm răn đe, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ tố tụng.
Thực tiễn, những vụ án oan dường như đều do báo chí, truyền thông phát hiện và lên tiếng mạnh mẽ thì mới được giải quyết dứt điểm và công khai, minh bạch. Vậy câu hỏi đặt ra, thực tế còn bao nhiêu vụ chưa bị phát hiện, hoặc đã bị phát hiện nhưng cơ quan tố tụng dùng “chiêu” để né trách nhiệm (như đình chỉ với căn cứ do chuyển biến tình hình)? Có bao nhiêu vụ cán bộ làm sai không bị xử lý hoặc xử lý theo kiểu giơ cao đánh khẽ?
Theo tôi, khi đã phát hiện rõ ràng việc đình chỉ để né bồi thường oan thì ngoài việc sửa sai, những cán bộ không những cố tình làm sai mà còn cố tình dùng “chiêu” để né bồi thường phải bị xử lý nghiêm, thậm chí cách chức. Có như thế mới trị tận gốc tình trạng oan, sai nhằm lấy lại niềm tin công lý cho nhân dân.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao