Trong năm 2014- 2015, việc cổ phần hóa gần 500 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đánh giá là bước cải cách, chuyển dịch kinh tế, hướng đến minh bạch hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quá trình cổ phần hóa tại các DN vẫn còn khá ì ạch.
TS Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng Quỹ Dragon Capital, cho rằng rất nhiều DN không mặn mà với cổ phần hóa. Mục đích của cổ phần hóa là hướng đến minh bạch. Một khi DN có năng lực quản lý tốt, làm việc hiệu quả thì sẽ không sợ cổ phần hóa.
Chưa hấp dẫn nhà đầu tư
. Phóng viên: đến thời điểm này còn quá ít DN được cổ phần hóa, ông đánh giá thế nào về điều này?
Tôi cho rằng Nhà nước nên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa một số DN lớn hấp dẫn được nhà đầu tư, ví như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, MobiFone, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex)… Một khi đã tạo được sự quan tâm ít nhiều từ các nhà đầu tư rồi thì việc cổ phần hóa các DN nhỏ hơn cũng sẽ dễ dàng rất nhiều.
Theo quan điểm của nhiều DNNN, giá bán 10.000 đồng/cổ phần là quá thấp. Có không ít DNNN lo sợ mình bị hớ nên không dám mạnh tay bán. Thế nhưng vấn đề giá bán 10.000 đồng/cổ phần không quan trọng mà quan trọng là bán cho tài sản gì? Có mang đến được dòng lợi nhuận gì không? Nếu các DNNN còn băn khoăn chuyện hớ hay không hớ thì quá trình cổ phần hóa còn kéo dài.
. Chính phủ rất quyết tâm trong việc cổ phần hóa nhưng có vẻ mọi chuyện chưa được như mong muốn?
+ Quyết tâm ai cũng thấy, nhà đầu tư cũng đang rất chờ đợi. Nhưng vấn đề là phải thực hiện nó bằng hành động. Không có thị trường nào như ở Việt Nam, cổ phần hóa nhưng tám năm sau không niêm yết. Bởi lẽ chỉ có niêm yết thì nhà đầu tư mới có thể thấy sự minh bạch hóa. Vì vậy, tôi nhắc lại, điều quan trọng nhất sau cổ phần hóa phải vẫn là niêm yết.
Xăng dầu vẫn được coi là lĩnh vực có tồn tại độc quyền nên theo các chuyên gia nhà nước chưa thể buông hoàn toàn. Ảnh: HTD
Nhà nước chỉ tham gia những lĩnh vực độc quyền
. Hiện có một số lĩnh vực như sữa, xăng dầu gần như độc quyền về giá. Phải chăng đây cũng là lý do Nhà nước cần nắm cổ phần lớn ở các lĩnh vực này, thưa ông?
+ Tôi cho rằng Nhà nước chỉ trực tiếp tham gia những lĩnh vực mà tư nhân không thể làm ví dụ như liên quan đến an ninh quốc phòng, còn lại hãy để cho tư nhân làm hết. Tuy vậy, không có nghĩa là Nhà nước buông hoàn toàn vì còn tùy vào từng lĩnh vực. Lĩnh vực nào mang tính độc quyền cao thì không nên để tư nhân quản lý vì sẽ dễ dẫn đến tình trạng các DN làm giá hoặc thao túng thị trường. Ví như với lĩnh vực xăng dầu thì Nhà nước nên cẩn trọng. Nếu một thị trường mà chỉ cần hai DN chiếm đến 80% thị phần thì không thể buông ra được. Do đó Nhà nước vẫn phải nắm chi phối.
Nhưng đối với lĩnh vực viễn thông lại khác. Thị trường này đang tồn tại khá nhiều nhà mạng như Viettel, MobiFone, Vina Phone, Vietnam Mobile… Vì vậy, hoàn toàn có thể yên tâm để đẩy mạnh cổ phần hóa.
. Nhiều nhà đầu tư than phiền về tỉ lệ cổ phần bán ra vẫn còn quá thấp, không hấp dẫn được họ?
+ Đúng là tỉ lệ bán hiện nay chưa cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là vấn đề cản trở mức hấp dẫn của nhà đầu tư đối với các DNNN. Ví dụ, một DNNN cổ phần hóa được định giá lên đến 1 tỉ hoặc 2 tỉ USD, nếu chúng ta bán 50% cổ phần thì cũng không thể tìm ra được nhà đầu tư có đủ lượng tiền để mua nó.
Nhà nước cũng phải có lộ trình hết sức rõ ràng để nhà đầu tư thấy trong thời gian bao lâu số lượng cổ phần sẽ được bán ra sao. Đặc biệt, Nhà nước khi đã công bố số lượng cổ phần bán thì phải niêm yết. Thực tế, hiện có nhiều quỹ đầu tư trên thế giới, họ chỉ thực sự đầu tư khi cổ phiếu được niêm yết.
. Xin cảm ơn ông.
MAI PHƯƠNG
Nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp bán 49% Ông Đinh Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết hiện Gazprom Neft, thuộc Tập đoàn Dầu lửa và Khí đốt Gazprom (Nga) đang tiến hành đàm phán với Petro Vietnam về việc trở thành đối tác chiến lược trong việc cổ phần của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Được biết Petro Vietnam sẽ bán không quá 49% cổ phần. “Gazprom Neft là một tập đoàn không những mạnh về tài chính, mà quan trọng là họ còn có nguồn dầu thô lâu dài. Đây cũng là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm về lọc hóa dầu và công suất mở rộng. Vì vậy, nếu việc hợp tác thành công thì đây là những tín hiệu rất tốt cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất”- ông Ngọc nói. Ông Ngọc cũng cho biết số tiền thu về từ vụ bán cổ phần này sẽ được dùng để mở rộng công suất hằng ngày của nhà máy lên 10 triệu tấn/năm, thay vì ở mức 6,5 triệu tấn/năm như hiện nay. Hiện với mức 6,5 triệu tấn này mới đáp ứng được 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Trong khi đó, với thị trường 90 triệu dân như Việt Nam hiện nay, cần có nhiều nhà máy lọc dầu hơn nữa để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. |