Chiều 27-3, sau thời gian dài xét xử rồi tạm dừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ ly hôn và tranh chấp tài sản chung giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Sau khi tòa tuyên án, bà Thảo bật khóc còn ông Vũ thì cười.
Tòa chia ông Vũ sáu, bà Thảo bốn
Về quan hệ hôn nhân, tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Thảo cũng như ghi nhận ý kiến đồng ý ly hôn của ông Vũ vì hai bên không còn tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, mục đích hôn nhân không đạt được.
Tòa ghi nhận việc bà Thảo nuôi con, ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỉ đồng cho bốn đứa con, từ năm 2013. Trong số này, người con đã thành niên tuy không thuộc nghĩa vụ cấp dưỡng của ông Vũ nhưng do ông tự nguyện cấp dưỡng nên tòa ghi nhận điều này.
Về tranh chấp cổ phần trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, HĐXX nhận định: Theo nguyên tắc, tài sản chia đôi khi ly hôn nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của cả hai trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
Theo tòa, ông Vũ và gia đình ông đã sáng tạo ra cà phê Trung Nguyên nhờ vào tiền bán hai căn nhà của cha mẹ và tiền vay mượn. Giấy phép kinh doanh cấp cho ông Vũ và ông Mơ (cha ông Vũ). Khi thành lập doanh nghiệp, số lượng vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn bà Thảo. Đây là điều cốt lõi xác định công sức đóng góp của hai bên. Bà Thảo nuôi các con ăn học và thường xuyên ở nước ngoài chăm các con. Một mình ông Vũ quản lý Trung Nguyên, ông là ông chủ Trung Nguyên và mang về lợi nhuận cao.
HĐXX nhận thấy bà Thảo có tham gia tuyên truyền cổ vũ cho King’s Coffee, cạnh tranh với G7 của Trung Nguyên nên việc ông Vũ cho rằng bà Thảo vi phạm Luật Cạnh tranh là có căn cứ. Tòa xét bà Thảo là người phụ nữ thông minh, có năng lực kinh doanh, vừa nuôi con vừa mở mang thành lập công ty ở nước ngoài. Việc này phải ghi nhận công sức của bà Thảo trong việc thành lập công ty ở Singapore là lớn. Nhưng tranh chấp này ông Vũ đã rút và sẽ xem xét trong vụ án khác. Khi đó vai trò, công sức của bà Thảo sẽ được xem xét hợp lý.
Việc bà Thảo cho rằng ông Vũ mải mê thiền định mà không quan tâm đến công ty, tòa nhận thấy căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên đều duy trì phát triển ở 650 tỉ đồng trở lên. Mặc dù kiện cáo ảnh hưởng nhưng công ty vẫn phát triển. Tòa xét thấy phải chia cho ông Vũ nhiều hơn nhưng vẫn phải đảm bảo cho công sức của bà Thảo. Do đó HĐXX nhận thấy cần phải chia cho ông Vũ 60%, bà Thảo 40%.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau khi tòa tuyên án. Ảnh: ZING/LÊ QUÂN
Ông Vũ sở hữu Trung Nguyên và thối tiền cho bà Thảo
Tuy nhiên theo tòa, từ năm 2015 đến nay, hai bên xảy ra hàng loạt vụ kiện, ảnh hưởng đến thương hiệu Trung Nguyên và hoạt động của các công ty ở Trung Nguyên. Tòa nhận định cần thiết giao cổ phần của bà Thảo và ông Vũ trong Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Ông Vũ thanh toán lại bằng tiền cho bà Thảo; tạo điều kiện cho bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới. Có như vậy mới giúp các đương sự có cuộc sống mới.
Từ đó HĐXX tuyên giao toàn bộ cổ phần thuộc số cổ phần chung của hai vợ chồng trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ. Ông Vũ phải hoàn trả phần chênh lệch cho bà Thảo.
Về bất động sản, tòa tuyên chia đôi theo đề nghị của hai bên...
Tại phiên tòa sáng qua, sau khi đại diện Eximbank xác nhận số vàng trong tài khoản của bà Thảo từng gửi tại ngân hàng này là 10.000 chỉ, không phải 10.000 lượng, phía ông Vũ điều chỉnh số tiền phản tố. Do bà Thảo không chứng minh được số tiền trong tài khoản là tài sản riêng của bà nên tòa tuyên bố đây là tài sản chung vợ chồng.
Sau khi đối trừ tất cả, HĐXX tuyên ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán phần chênh lệch cho bà Thảo là hơn 1.233 tỉ đồng. Án phí tài sản bà Thảo phải chịu khoảng 33,7 tỉ đồng; án phí ông Vũ phải chịu khoảng 48 tỉ đồng.
Bà Thảo chất vấn: “Anh có chuyển cho em đồng nào không?”
Sáng qua (27-3), khi HĐXX thông báo kết thúc phần xét hỏi, bà Thảo đề nghị được hỏi ông Vũ. “Anh muốn chia tiền trong tài khoản của em, tiền đó ở đâu ra? Từ khi mình cưới nhau đến giờ, anh có bao giờ chuyển cho em đồng nào hay không?” - bà Thảo hỏi.
Người đại diện cho ông Vũ định trả lời nhưng bà Thảo không đồng ý mà đề nghị chính ông Vũ trả lời. Ông Vũ ngồi im. Người đại diện ông Vũ thay mặt trả lời, rằng toàn bộ tiền bạc đều giao cho bà Thảo.
“Câu hỏi này chỉ mình anh Vũ mới trả lời được thôi. Luật sư không thể trả lời được. Từ khi cưới nhau, anh có đưa em giữ đồng nào hay chuyển vào tài khoản em một đồng nào hay không? Tôi cần anh Vũ trả lời” - bà Thảo hỏi lại.
Ông Vũ định không trả lời nhưng trước sự đôi co hai phía, ông Vũ đứng dậy, cầm mic nói: “Nói lời nào cũng chạm nỗi đau. Gần như tôi im lặng, cái nào nói đã nói rồi. Gia đình ai cũng hiểu. Hãy nói bằng cái lòng của cô. Năm năm nay cũng không ai muốn nói cái gì hết. Cô đừng đứng đây mà đôi co. Tiền ở đâu? Phản tố cũng vậy, thẩm phán biết hết. Tôi đã nói để Trung Nguyên cho “qua”. Tiền 20 năm nay có ai giành đồng nào...”.
Bà Thảo đề nghị ông Vũ trả lời câu hỏi. Chủ tọa hỏi lại ông Vũ có trả lời câu hỏi này hay không, ông Vũ nói không. Bà Thảo chen ngang: “Anh Vũ không chuyển cho tôi một đồng nào!”.
Tỉ lệ đòi chia và quyền quản lý tập đoàn, công ty Về tiền cấp dưỡng, trước đó tại tòa, bà Thảo đề nghị ông Vũ chi 20% cổ phần để hoán đổi tiền cấp dưỡng cho bốn con, để các con kế nghiệp sản nghiệp lâu dài của cha mẹ. Về việc này, ông Vũ trình bày ban đầu ông chỉ đồng ý cấp dưỡng 5% cổ tức/người con nhưng bà Thảo cho rằng cổ tức liên quan đến lời lỗ của tập đoàn và việc điều chỉnh sổ sách kế toán nên ông Vũ đưa ra con số sẽ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/bốn con. Tại tòa, ông Vũ giữ nguyên ý kiến này. Khối tài sản tranh chấp gồm vàng, tiền mặt, ngoại tệ và vốn góp trong các công ty, ông Vũ đưa ra đề nghị tòa phân xử cho mình nhận 70%, còn 30% được chia cho bà Thảo. Về các bất động sản, ông Vũ đề nghị chia đôi. Đối với cổ phần của hai vợ chồng tại bảy công ty, bà Thảo yêu cầu cho bà hưởng 51% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên; 15% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và 7,5% cổ phần tại Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên - G7. Đối với số cổ phần của vợ chồng tại bốn công ty còn lại, bà Thảo đồng ý để ông Vũ sở hữu toàn bộ. Về phần ông Vũ, ông đề nghị chia cho ông 70% số cổ phần trong tổng số cổ phần của vợ chồng tại bảy công ty. Số 30% cổ phần còn lại, ông cũng đề nghị nhận và hoàn giá trị cổ phần cho bà Thảo. Người khóc, người cười Sau khi HĐXX tuyên án, bà Thảo đã bật khóc và nói: “Bản án quá bất công với mẹ con tôi!”. Trong khi đó, ông Vũ chỉ cười và từ chối nói về phán quyết của tòa. Theo bản án, tòa đình chỉ các yêu cầu khác đối với các công ty phát sinh với tư cách cổ đông, thành viên công ty; hủy các biện pháp khẩn cấp tạm thời; tách quan hệ liên quan Trung Nguyên Singapore thành vụ kiện khác. |