Tám địa phương được kiểm tra lần này gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương.
Đánh giá khái quát một số kết quả triển khai chính quyền điện tử, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan nhận xét: Tỉ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi tới Văn phòng Chính phủ đến ngày 20-8 của một số địa phương chưa cao. Thậm chí nhiều địa phương chưa áp dụng đầy đủ chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản điện tử.
Cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm triển khai giải quyết TTHC trực tuyến. Ông đề nghị khắc phục tình trạng các địa phương cung ứng các dịch vụ công trực tuyến một cách tràn lan, áp dụng tới hàng ngàn dịch vụ nhưng không phục vụ thiết thực người dân, doanh nghiệp.
Phản ánh vướng mắc từ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà cho hay người dân vẫn chưa quen với việc tất cả thủ tục gửi trên các thiết bị di động hay trực tuyến mà thường vẫn đến trung tâm hành chính công. “Địa bàn hẹp thế, thà người ta đi xe lên còn nhanh hơn ngồi nhà gửi trực tuyến” - bà Hà nói.
Bà cũng cho biết Bắc Giang đã triển khai một cửa qua ứng dụng Zalo để công khai TTHC và hướng dẫn TTHC trên Zalo cho người dân và doanh nghiệp. Theo bà, người dân rất hào hứng thực hiện. “Qua ứng dụng Zalo, người dân thực hiện tốt hơn” - bà Hà nhấn mạnh.
“Chúng ta phải cân nhắc kỹ. Tất cả phần mềm ứng dụng đấy phải đảm bảo tính bảo mật thông tin. Như Quảng Trị đặt vấn đề toàn bộ dịch vụ công trên Zalo hết, Bộ Thông tin và Truyền thông tới đây phải đánh giá, xem xét kỹ việc này, không để các địa phương ứng dụng khác nhau” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải đánh giá tác động, đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn dữ liệu, an ninh thông tin.
Ông Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ đang triển khai một trung tâm báo cáo quốc gia, tất cả dữ liệu của các địa phương, bộ, ngành chuyển về trung tâm của Chính phủ nhưng muốn chuyển được cần phải “chuẩn hóa”.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc gợi ý việc xã hội hóa trong xây dựng chính phủ điện tử. “Hiện nay các bộ, ngành trung ương ôm nhiều quyền quá” - ông Lộc nhận xét. Ông cũng đề xuất nên ủy quyền, giao cho địa phương làm và chịu trách nhiệm. “Nếu người dân, doanh nghiệp làm thủ tục không phải lên bộ, ngành nữa, thủ tục sẽ đơn giản hơn” - ông nói.
“Dùng mạng xã hội để tương tác với xã hội một cách tích cực cũng là điều cần khuyến khích. Chúng ta không chỉ đưa thông tin qua các kênh chính thức mà các cơ quan nhà nước cũng cần tham gia mạng xã hội, thậm chí định hướng cả mạng xã hội chứ không phải đóng cửa với mạng xã hội” - ông Lộc đề nghị.