Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ muốn hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững

(PLO)- Cần Thơ muốn Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ thực hiện nhiều lĩnh vực để sản xuất nông nghiệp phát triển tốt hơn, TP phát triển bền vững, đời sống người dân khá hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-3, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Trần Việt Trường cùng một số lãnh đạo sở ngành đã làm việc với Đoàn công tác của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường tại buổi làm việc với USAID ngày 9-3. Ảnh: NHẪN NAM

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường tại buổi làm việc với USAID ngày 9-3. Ảnh: NHẪN NAM

Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã nêu tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ và những lĩnh vực mà Cần Thơ mong muốn hợp tác với USAID.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng nêu ra những cụ thể về biến đổi khí hậu, đập thủy điện đã ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mekong; xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; hệ thống logistic thiếu và chưa đồng bộ ảnh hưởng sâu sắc đến xuất khẩu nông, thủy sản của cả vùng.

Cạnh đó, ông cũng nêu về các cơ chế đặc thù mà Quốc hội dành cho Cần Thơ, trong đó có hai nội dung về đề án xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL và nạo vét luồng Định An.

Người đứng đầu UBND TP Cần Thơ mong USAID trong những lĩnh vực có kinh nghiệm và tiềm năng thì hỗ trợ cho TP, hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp để việc sản xuất nông nghiệp phát triển tốt hơn, đời sống người dân khá hơn…

Đoàn công tác của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có cả ngài Đại sứ Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cùng nhiều thành viên cấp cao khác. Ảnh: NHẪN NAM

Đoàn công tác của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có cả ngài Đại sứ Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cùng nhiều thành viên cấp cao khác. Ảnh: NHẪN NAM

Bà Samantha Power - Giám đốc toàn cầu của USAID cho biết, USAID quan tâm đến các vấn đề biến đổi khí hậu, rác thải nhựa, lĩnh vực y tế... Bà cho biết, USAID có một dự án về bảo tồn sinh cảnh vùng ĐBSCL đã gửi cho Bộ NN&PTNT hơn một năm nhưng đến nay chưa được phê duyệt. Dự án này dự kiến đầu tư với kinh phí khoảng 50 triệu USD. Đây là dự án nhằm tạo ra một nền nông nghiệp bền vững hơn.

Bà cho rằng Việt Nam cũng là một trong những nước ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ nhiều cho Việt Nam để giảm thiểu những tác động từ biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, bà đề nghị các thủ tục phê duyệt phải được tiến hành nhanh hơn nữa vì biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nhanh, có thể chúng ta không bắt kịp với những gì đang thay đổi.

Việc phê duyệt chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai và thực hiện các hoạt động của dự án, từ đó ảnh hưởng đến những người hưởng lợi từ dự án sẽ bị chậm trễ hơn.

Bà Samantha Power - Giám đốc toàn cầu của USAID phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NHẪN NAM
Bà Samantha Power - Giám đốc toàn cầu của USAID phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NHẪN NAM

“Chúng tôi đã gặp những người nông dân trồng lúa gạo và họ nói họ không muốn trồng lúa gạo vì không biết thời tiết thay đổi như thế nào và họ chuyển sang các cây trồng khác như cam, chanh.

Sáng nay tôi có đi chợ nổi và tôi có gặp một số người buôn bán trên chợ nổi. Tôi gặp vợ chồng anh bán củ đậu, họ nói cho con đi học và sau này con họ sẽ không làm nông dân nữa vì đi học để có công việc tốt hơn. Bây giờ mùa màng thay đổi, nước lũ ít hơn, phù sa về ít hơn và như vậy sản lượng rất thấp, thu nhập cũng thấp. Anh ấy muốn sau này con cái làm trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp hoặc những việc khác có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn” – bà Samantha kể.

Từ đó, bà cho rằng việc biến đổi khí hậu đang có ảnh hưởng tác động đến sinh kế, môi trường và cuộc sống của chúng ta và cho rằng cần phải lựa chọn ưu tiên để tập trung vào đó.

Bà cũng cho biết, các lĩnh vực ưu tiên của Cần Thơ, phía USAID có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ TP. Cạnh đó, bà cũng mong Cần Thơ có tiếng nói để thúc đẩy dự án bảo tồn sinh cảnh ĐBSCL sớm được phê duyệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm