Cơ quan quản lý ống cống phải bồi thường

Cái chết do sụp miệng cống của anh Vũ Hồng Thái (quận Thủ Đức, TP.HCM) khiến người dân nhớ lại hàng loạt cái chết bất ngờ trong những năm qua. Vậy khi gặp phải sự cố gây thiệt hại khi đi đường, người dân biết “níu áo” ai? Pháp luật nào bảo vệ người dân?

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM (ảnh), nói: “Nhiều vụ tai nạn do điện giật, sụp cống, cây đè… đã xảy ra. Tôi nghĩ nhà nước không bao giờ mong muốn có những tai nạn kiểu đó. Các nhà làm luật đã quan tâm, dự trù đầy đủ những trường hợp này và có nhiều quy định để bảo vệ người dân”.

Người bị thiệt hại có quyền kiện

. Thưa luật sư, luật dự liệu cụ thể như thế nào về những tai nạn như trên?

Cơ quan quản lý ống cống phải bồi thường ảnh 1
+ Luật dự liệu không hết những trường hợp cụ thể nhưng cũng tương đối đầy đủ. Chẳng hạn, Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2005 nêu vấn đề bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Hoặc Điều 626 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra…

Trong trường hợp cụ thể của anh Vũ Hồng Thái, nhà nước là chủ sở hữu ống cống, nhà nước giao cho cơ quan nào quản lý ống cống đó thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm (vì được chủ sở hữu giao quản lý). Nếu có dấu hiệu hình sự thì có thể khởi tố vụ án theo Điều 220 Bộ luật Hình sự tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông. Theo đó, “người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình đó gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác” thì có thể bị mức phạt tù đến 15 năm.

. Tức những trường hợp sụp cống, rò điện khi trời mưa, cây đổ… làm thiệt hại về người và của đều có thể xử lý hình sự được phải không, thưa bà?

+ Không hẳn thế vì Bộ luật Hình sự chưa có điều khoản quy định cụ thể đối với trường hợp tai nạn do cột điện, dây điện, cây cối gây ra. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này thì người dân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo tôi, về lâu dài thì Bộ luật Hình sự nên bổ sung thêm các điều khoản liên quan đến vấn đề này để các cơ quan liên quan ý thức hơn về trách nhiệm.

. Theo luật sư thì quy định của ta không thiếu nhưng khi có chuyện xảy ra lại không thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm. Có phải do cơ chế phân công trách nhiệm của chúng ta không rõ ràng?

+ Pháp luật Việt Nam không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức mà chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Hiện nay, cơ chế phân công nhiệm vụ của chúng ta thường chưa rõ, có sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng, trong một cơ quan thì có sự chồng chéo giữa trách nhiệm của người này và người khác. Do đó, khi có sự cố xảy ra thì khó quy trách nhiệm cho cơ quan nào, cá nhân nào.

Theo tôi, trong các văn bản, quyết định thành lập tổ chức, quyết định bổ nhiệm cần phải mô tả cụ thể công việc: làm việc gì, trách nhiệm như thế nào, mức độ trách nhiệm. Ngoài ra, cần phải xem xét năng lực, trình độ của cán bộ để giao nhiệm vụ. Nếu giao nhiều việc quá hoặc việc ngoài tầm tay với của họ thì họ không thể thực hiện tốt được, dễ xảy ra thiếu sót.

Không phải mọi cơ quan, cán bộ nhà nước đều cố tình phớt lờ trách nhiệm với dân, có thể vì chưa có quy chế rõ ràng, không được phổ biến, học tập cụ thể về trách nhiệm nên chính cơ quan, cán bộ đó cũng không nắm rõ khi có sự việc xảy ra.

Cảnh báo thôi là không đủ

. Cụ thể trong vụ sụp miệng cống của anh Vũ Hồng Thái, ngành đường sắt nói rằng họ đã cắm biển cảnh báo. Thưa bà, giả sử họ có cắm thì biển cảnh báo có đủ để phủi hết mọi trách nhiệm?

+ Đường là để cho người dân đi, cơ quan quản lý đường có trách nhiệm thực hiện biện pháp đảm bảo sự an toàn cho người dân. Không thể nói rằng đã cắm biển cảnh báo là xong, là đủ. Phải làm sao để cái miệng cống đó không gây nguy hiểm cho người dân. Phải dự liệu trường hợp trời mưa, đường ngập hay tối trời, cúp điện, không có đèn đường thì làm sao người đi đường nhìn thấy được biển báo. Trước đây, có một em bé ở Kiên Giang bị cá sấu cắn đứt lìa cánh tay. Dù có cắm biển cảnh báo nhưng đơn vị nuôi cá sấu đã không vin vào đó để từ chối trách nhiệm bồi thường vì họ đã không có những biện pháp an toàn khác.

Nhận tiền hỗ trợ vẫn còn quyền kiện

. Khi sự cố xảy ra, thường là cơ quan có trách nhiệm sẽ gửi một số tiền chia buồn cho gia đình người bị nạn. Sau đó, hầu như không thấy người dân nào khởi kiện đòi bồi thường. Có phải do người dân thiếu am hiểu?

+ Như tôi đã nói, người dân có quyền khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, tâm lý của đại đa số người dân không muốn đi thưa kiện, nhất là đi kiện cơ quan nhà nước. Cũng có thể họ không muốn khơi lại sự việc thương tâm đã xảy ra. Những mất mát đau lòng đó biết kiện đòi bao nhiêu để bù đắp được.

Quan trọng nhất là cơ quan quản lý phải thấy được trách nhiệm của mình, phải có cá nhân đứng ra gánh vác hậu quả. Họ phải tìm đến với gia đình người bị nạn để bàn về vấn đề bồi thường cho người dân một cách thỏa đáng. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì mới cần đến tòa án phân xử. Giả sử gia đình người bị nạn đã nhận một số tiền hỗ trợ của cơ quan nhà nước, điều đó không có nghĩa là họ mất quyền đi kiện. Nếu họ cảm thấy việc đền bù chưa thỏa đáng thì vẫn có quyền kiện ra tòa.

. Xin cảm ơn luật sư.

ÁI PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm