Có ý kiến cho rằng người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo và không thể tùy tiện trong việc tố cáo cũng như việc rút tố cáo, nhất là trong trường hợp đã đạt được mục đích sau đó lại rút đơn. Hơn nữa, dù có rút đơn tố cáo hay không thì cũng không chấm dứt trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo.
Ý kiến khác lại cho rằng người tố cáo có quyền rút đơn nhưng nếu hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện, xử lý thì vẫn phải xem xét, giải quyết nội dung tố cáo.
Lý do để rút tố cáo thì có nhiều, ví dụ như người tố cáo nhận thấy việc tố cáo không có căn cứ; người tố cáo bị đe dọa, trù dập hoặc mua chuộc, thỏa hiệp hoặc người tố cáo với mục đích là vu khống, xúc phạm người khác... Việc chấp thuận cho rút lại nội dung tố cáo hay không là vấn đề nhạy cảm, phải hết sức thận trọng để đảm bảo quyền của người tố cáo nhưng vẫn đảm bảo việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nếu có.
Trước hết, việc tố cáo hoặc rút lại nội dung tố cáo là quyền cơ bản của công dân, pháp luật không thể quy định cấm hoặc loại trừ trường hợp nào để hạn chế quyền này. Tuy nhiên, việc rút đơn phải được thực hiện một cách tự nguyện của người tố cáo, không chịu bất kỳ sức ép, đe dọa nào.
Vấn đề đặt ra là việc rút lại nội dung tố cáo có ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hay không. Theo tôi, cho dù công dân đã rút đơn thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo đã rút để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Nếu nhận thấy việc rút đơn có dấu hiệu bị cưỡng ép, mua chuộc..., cơ quan tiếp nhận đơn càng phải kiểm tra làm rõ để bảo vệ người tố cáo hoặc xử lý các hành vi thông đồng, che giấu hành vi vi phạm pháp luật. Nếu có căn cứ cho rằng việc rút đơn không tự nguyện và nội dung tố cáo là có cơ sở để giải quyết thì có thể không đồng ý việc rút đơn để tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Luật Tố cáo đã được Quốc hội thông qua vào ngày 11-11-2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012. Sau sáu năm triển khai thực hiện, Luật Tố cáo đã bộc lộ những bất cập như về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; về bảo vệ người tố cáo... Do đó, việc sửa đổi Luật Tố cáo nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp 2013, BLTTHS 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Về quy định rút tố cáo, Điều 32 dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi nêu: Đề nghị không quy định việc rút tố cáo vì người tố cáo không thể tùy tiện trong việc tố cáo cũng như việc rút tố cáo; bên cạnh đó, việc xem xét, xác minh nội dung tố cáo đúng hay sai không thuộc trách nhiệm của người tố cáo; hơn nữa, người đó có rút đơn tố cáo hay không thì cũng không chấm dứt trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. |