VỤ BẢN ĐỒ SAI LỆCH CỦA HỘI ĐỊA LÝ QUỐC GIA MỸ:

Có thể yêu cầu đính chính hoặc khởi kiện

Một số khác ghi rằng Hoàng Sa “do Trung Quốc quản lý, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền”.

Không là bằng chứng nhưng vẫn bất lợi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia về công pháp quốc tế đều khẳng định tình hình không ảnh hưởng đối với vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (trong trường hợp vụ việc được đưa ra Tòa án Quốc tế) vì bản đồ in sai không có giá trị pháp lý. Thạc sĩ Hoàng Việt (Đại học Luật TP.HCM) nói: “Nếu tranh chấp chủ quyền được đưa ra Tòa án Quốc tế, tòa sẽ sử dụng những tài liệu, những phát ngôn có tính chất nhà nước, chẳng hạn các bản đồ nằm trong một hiệp ước liên quan do ít nhất hai bên liên quan ký kết”. Ông dẫn lại vụ tranh chấp ngôi đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia, trong đó Tòa án Quốc tế đã căn cứ vào bản đồ đi kèm hiệp ước Pháp-Xiêm 1862 để xét xử như một trong các nguồn tài liệu chính thức.

Mặc dù vậy, do uy tín của NGS rất lớn nên bản đồ tuy không có giá trị pháp lý nhưng lại có giá trị tham khảo, tác động tới dư luận, nhất là khi Việt Nam đang cần đẩy mạnh tuyên truyền và vận động sự ủng hộ của thế giới đối với chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

NGS vốn là một hiệp hội tư nhân, có lịch sử hoạt động lâu dài (được thành lập từ ngày 27-1-1888). Họ sở hữu một kênh truyền hình và tạp chí nổi tiếng thế giới National Geographic, mỗi tháng ra một số. Tính đến nay đã có các phiên bản National Geographic xuất bản bằng 33 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái… (chưa có tiếng Việt). Tổng phát hành hằng tháng của tạp chí gần 9 triệu số, đến tay hơn 50 triệu độc giả trên toàn cầu. Một độc giả của tờ này ở Hà Nội, ông Tuấn Anh, cho biết nếu bản đồ in sai được đăng tải trên mạng thì cũng không ảnh hưởng lắm, đáng ngại nhất là bản đồ đã xuất hiện trên tạp chí. Và theo phản ánh của ông Nguyễn Hùng (Úc) thì số tháng 9-2009 của National Geographic đã phát hành bản đồ có sai sót này.

Có thể yêu cầu đính chính hoặc khởi kiện ảnh 1

Những bản đồ xưa được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sưu tập để thể hiện chủ quyền Việt Nam trên đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: HTD

Yêu cầu đính chính, khởi kiện

Dù vậy, theo một số chuyên gia luật quốc tế, hướng xử lý không phải là không có. đó là tiếp tục lên tiếng rộng khắp để National Geographic đính chính lỗi của họ trong các số tạp chí hoặc bản đồ phát hành tiếp sau. TS Nguyễn Trường Giang (Ban Biên giới Chính phủ) cho rằng nên nhấn mạnh vào việc “sai sót có thể làm tổn hại uy tín của hội”. Một tiến sĩ luật khác cho rằng trong trường hợp NGS không đính chính, có thể xem xét khởi kiện (nên là hiệp hội tương đương hoặc tư nhân), hoặc nhà nước ra tuyên bố nêu rõ hành động của NGS là sai, không có giá trị pháp lý và sẽ không tạo ra cơ sở pháp lý nào, cũng như không phản ánh quan điểm của phía Việt Nam.

Ông Hoàng Việt cũng nói: “Nếu cần Việt Nam có thể cung cấp các chứng lý để các nhà khoa học của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ hiểu rõ hơn vấn đề này và có những điều chỉnh đúng đắn. Còn nếu như họ không chỉnh sửa và tiếp tục duy trì thông tin sai lệch thì tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể kiện tổ chức này”.

Theo tin Pháp Luật TP.HCM mới nhận được, bản đồ Google Map Vietnam của hãng Google đăng trên mạng cũng có lỗi nghiêm trọng khi vẽ đường biên sai, "đẩy" một số địa điểm của Việt Nam ở biên giới phía bắc sang Trung Quốc. Chúng tôi sẽ kiểm chứng và tiếp tục đưa tin về vấn đề này.

Có thể do lỗi vô ý?

Tình hình chỉ cho thấy một điều là trên thế giới trước nay có quá nhiều “tài liệu tham khảo” sai về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, ví dụ gọi Hoàng Sa là Xisha theo cách của Trung Quốc thay vì sử dụng tên quốc tế Paracel Is. cho trung lập - hiện tượng này đã và đang phổ biến.

Ths. TUẤN ANH, độc giả lâu năm của tạp chí và khán giả kênh truyền hình National Geographic

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm