Những ca khúc nâng tình yêu biển, đảo

Ai đó đã nói những quốc gia ven biển như Ý, Indonesia đều có nền âm nhạc với số lượng rất cao những tác phẩm rất hay, bởi vì tiếng sóng biển đã hòa vào tiếng đàn, giọng hát của họ làm nên những giai điệu tuyệt vời.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, thậm chí có bờ biển rất dài (hơn 3.000 km). Mặc dù do nhiều nguyên nhân chúng ta chưa có được một nền âm nhạc với những tuyệt phẩm lừng danh thế giới, nhất là về khí nhạc nhưng trong lĩnh vực sáng tác ca khúc (thanh nhạc), biển đảo cũng đã là nguồn cảm hứng lớn cho các nhạc sĩ viết nên những bài hát để đời.

Có tới hàng chục bài hát về biển, trải dài từ thời hai miền còn chia cắt đến nay, tức là từ thời Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, qua chiến tranh với Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương) cho đến những bài biển ca của thời bình như Biển khát (Trương Ngọc Ninh) mang phong cách hiện đại của âm nhạc những năm đầu thế kỷ 21.

Những ca khúc nâng tình yêu biển, đảo ảnh 1

Chiến sĩ đảo Tốc Tan A, quần đảo Trường Sa đang tập luyện sẵn sàng chiến đấu.

“Thương nhau cho lúa xanh đồng, cho thuyền vượt biển…”

Năm 1973, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương (thân sinh của ca sĩ Mỹ Lệ) tham gia đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở miền duyên hải Quảng Bình. Như nhiều vùng biển khác ở Việt Nam, người dân nơi đây ngày ngày vừa đi biển vừa làm ruộng, “nông-ngư nghiệp kết hợp”. Hai vợ chồng nhà người dân cho ông trọ cũng vậy, lao động rất cần cù. Điều làm ông cảm động là câu chuyện của họ mỗi đêm bàn việc tăng gia sản xuất, ngày mai anh đi biển, em ra ruộng… Nhạc sĩ kể lại: “Tôi nghe cứ thấy lâng lâng cảm xúc. Bờ biển nước mình dài và đẹp lắm, người dân thì lam làm, ai cũng mơ ước “cá bạc đầy khoang”, “lúa vàng trĩu bông”. Thế là nảy sinh cảm hứng, tôi viết ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh. Bài hát được đoàn văn công ở Bình Trị Thiên biểu diễn ngay. Tới năm 1976 thì được ca sĩ Phan Huấn và Tuyết Thanh trình bày trên sóng phát thanh, từ đó nó lan rộng ra toàn quốc”.

Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng. Thuyền anh ra khơi có ngại chi sóng gió.

Trên đoàn thuyền hải âu tung cánh bay, anh nhớ đồng quê ta cánh cò bay trên thảm lụa…

… Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi, bám biển ngày đêm cho màu da anh nắng sậm.

Vì mùa xuân tương lai thắm tươi hồng. Thuyền anh lại về cho cá bạc đầy khoang.

Sau này, có người hỏi nhạc sĩ Hoàng Sông Hương sao sáng tác thời ấy mà ông không dùng những ca từ cổ vũ “chắc tay súng, vững tay cày”. Ông cười khà khà: “Thì nhiều người viết như thế rồi, tôi muốn làm khác đi”.

Tình ta biển bạc đồng xanh cho đến nay vẫn là một trong những ca khúc viết về biển, về tình yêu quê hương đất nước rất được ưa thích, nhất là sau khi nó được làm sống lại qua giọng hát kỹ thuật nhưng chất chứa tình cảm của các ca sĩ trẻ Anh Thơ, Việt Hoàn, Trọng Tấn, Tân Nhàn, Tuấn Anh…

Rồi hai cuộc chiến tranh kết thúc, đất nước bước vào thời bình và bắt đầu công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế nhưng vẫn không quên “chắc tay súng” giữ gìn biển đảo. Nơi đảo xa, Chút thơ tình người lính biển, Biển hát chiều nay… đã ra đời như thế. Riêng Nơi đảo xaChút thơ tình người lính biển xứng đáng được mệnh danh là tình ca của hải quân: Gần như bất kỳ người lính Trường Sa nào cũng có thể hát lên “Cái giai điệu ngang tàng như gió biển/ Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi” của hai bài hát này. (Tất nhiên là giai điệu của cả hai bài hát đều không hề ngang tàng mà trái lại rất mượt mà, tha thiết, có lẽ nên hiểu đó là cái ngang tàng trong giọng hát và tính cách của các chàng lính đảo.)

Trên thực tế, Nơi đảo xa cũng là ca khúc được nhạc sĩ Thế Song sáng tác theo “đặt hàng” của một chiến sĩ hải quân năm 1979.

Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa

Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa

Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua

Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền

Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi

Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô

Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em…

Cùng với Chút thơ tình người lính biển, Nơi đảo xa đã thể hiện rất thành công hình ảnh người lính hải quân Việt Nam vừa anh hùng vừa lãng mạn ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Những ca khúc nâng tình yêu biển, đảo ảnh 2

Chiến sĩ tàu Trường Sa 14 đánh bóng chuyền giao hữu với chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông.

Những câu chuyện tình của biển

Một điểm đặc biệt trong các sáng tác về biển là những bản tình ca trong đó biển xanh hiện lên như bối cảnh cho tình cảm đôi lứa. Số lượng những ca khúc này tập trung nhiều vào giai đoạn mà chúng ta gọi là thời bao cấp: Thuyền và biển, Phố biển, Chuyện tình của biển… Những năm 80 của thế kỷ trước đặc biệt thịnh hành một ca khúc được xem như “disco Việt Nam” thời ấy: Tình biển. Giới trẻ mê bài ấy đến nỗi đua nhau chép vào sổ tay, biểu diễn trong khắp các chương trình ca múa nhạc nghiệp dư.

Đêm nằm nghe tiếng sóng xa vọng về

Nghe biển ru lên tiếng ru bồi hồi

Chờ đón con tàu anh rời bến

Ngày mai con tàu anh ra khơi.

Mai anh rời xa bờ quê hương tuyệt đẹp

Anh ra biển rộng ngoài khơi xa nghìn trùng

Mai anh tạm biệt, tạm xa cách em yêu

Anh theo tàu đi và tung lưới khơi xa vời…

Tình biển gắn với tiếng hát của ca sĩ Nhã Phương. Khán giả trẻ ngày nay nghe lại bài hát này chắc sẽ thấy vẫn còn êm dịu chán nhưng thời đó, với phong cách và kiểu phối khí ấy, Tình biển đã được coi như “nhạc giật”. Tác giả của nó, nhạc sĩ Trần Quang Huy, đã mất năm 2009 vì bệnh. Ngoài Tình biển nổi tiếng một thời ông còn để lại một số ca khúc cũng rất được ưa thích như: Ngõ vắng xôn xao, Vũng Tàu biển hát

Những ca khúc nâng tình yêu biển, đảo ảnh 3

Chiến sĩ đảo NamYết sau giờ tập luyện.

Khí nhạc có lẽ không phải thế mạnh của Việt Nam nhưng trong địa hạt khí nhạc, nhạc sĩ Cát Vận cũng đã có một tác phẩm bán cổ điển mang đậm tâm hồn Việt Nam và chất biển: Tình yêu của biển.

Vài năm trở lại đây, số lượng những ca khúc viết về biển, về quê hương có phần vắng bóng trong đời sống âm nhạc ở Việt Nam. Điều đó không có nghĩa là tình cảm của các nghệ sĩ đối với biển cả, đất nước đã phai nhạt, nó chỉ chứng tỏ thời đại đã thay đổi, người sáng tác cũng như công chúng thưởng ngoạn đều có những mối quan tâm khác. Tuy thế, những tình khúc biển kia chắc chắn sẽ sống mãi với giá trị chúng đã tạo ra trong tâm hồn người nghe nhạc.

Tình biển: ST: Trần Quang Huy, Trình bày: Nhã Phương

Tình ta biển bạc đồng xanh: ST: Hoàng Sông Hương, Trình bày: Anh Thơ

Tình yêu của biển (nhạc không lời): ST: Cát Vận. Biểu diễn: Dàn nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm