Vấn đề đặt ra là cần ứng xử như thế nào trước vụ việc này.
Ở nhiều quốc gia, các tổ chức tư nhân (dân sự) như hội địa lý nói trên có mặt ở tất cả các lĩnh vực, kể cả an ninh quốc phòng. Thực chất đó chỉ là tập hợp của các cá nhân có cùng quyền lợi, sở thích, nghề nghiệp mà mục tiêu hoạt động hoàn toàn vì hội viên, nếu điều đó không trái với pháp luật.
Tuy nhiên, có khá nhiều tổ chức lại mang tầm ảnh hưởng lớn, bởi đó có thể là sự kết hợp của nhiều hội viên đang hoạt động xuyên quốc gia, chi phối thị trường hoặc đứng sau nhiều chính sách sẽ đệ trình lên Quốc hội. Không chỉ phát hành tài liệu mà họ có thể lập ra các trường đại học, soạn thảo giáo trình hoặc lập ra các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa các sáng kiến của hội viên. Nếu không trái luật, ít khi chính phủ can thiệp vào các hoạt động này.
Các tổ chức như trên dù ít khi chịu sự chi phối của chính phủ nhưng lại khá nể trọng tiếng nói từ các tổ chức tương tự ở các quốc gia khác. Đơn giản vì đó là quan hệ hợp tác quốc tế, hay chí ít là có chung chuyên môn, lợi ích với họ.
Tại Việt Nam cũng có một tổ chức mang tên “Hội Địa lý Việt Nam” có trụ sở tại khoa địa lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Tuy nhiên, hội này hoạt động quá èo uột đến mức suốt hai tháng nay cán bộ chủ quản không liên lạc được với lãnh đạo hội theo địa chỉ đăng ký!
Do đó đã không thấy họ có phản ứng tức thì với phía Mỹ để yêu cầu cải chính về thông tin sai lệch trên ấn phẩm của họ.
Cũng phải nói thêm sự yếu kém của các hội ở Việt Nam có nguyên nhân là chưa có luật hoạt động. Các quy định hiện hành thiên về xin-cho, đẩy các hội vào thế “nấp” sau cơ quan hành chính liên quan. Nơi nào quan tâm thì hội mạnh, không quan tâm thì hội chỉ là cái bóng...
Còn nhớ trong vụ kiện cá da trơn, Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) phải vào cuộc chứ không phải cơ quan chính phủ. Vừa tận dụng sự hỗ trợ từ hội của các nhà nhập khẩu Mỹ, VASEP vừa dùng chính vụ kiện để tiếp thị cá da trơn Việt Nam nên những năm sau con cá vẫn mang về hàng tỉ USD cho đất nước.
Cách ứng xử đơn giản nhất là “đi với bụt mặc áo cà sa...”.
PHAN MAI