Sáng nay (18-11), Quốc hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về công tác xét xử cũng như các biện pháp nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng thẩm phán…
Đại biểu (ĐB) Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, quan tâm đến vấn đề giám đốc thẩm.
Theo báo cáo của TAND Tối cao, các năm vừa qua, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là rất nhiều, trong đó năm 2017 tăng 4.443 đơn so với năm 2016. Số lượng đơn tồn đọng chưa được xem xét giải quyết còn nhiều. Năm 2017 là 10.970 đơn. Số đơn đã được giải quyết chỉ đạt 39,3% cho năm 2017.
ĐB Phan Thị Bình Thuận nói: “Trước thực trạng trên, có một số ý kiến cho rằng do tâm lý người dân dường như thiếu niềm tin ở cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, đợi chờ hy vọng ở cấp xét xử giám đốc thẩm sẽ làm thay đổi bản án. Đồng thời nhận thức của người dân, kể cả cơ quan nhà nước, xem giám đốc thẩm là cấp xét xử thứ ba. Vì thế, trừ những vụ có kháng nghị, dù các cấp tòa có xử đúng đến mấy thì người dân cũng có đơn đề nghị giám đốc thẩm”.
ĐB Phan Thị Bình Thuận đang chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ngoài ra, theo ĐB Phan Thị Bình Thuận, có những vụ án xét xử nhiều lần từ sơ thẩm đến phúc thẩm, giám đốc thẩm kéo dài nhiều năm liền, có trường hợp đương sự đã chết mà vẫn chưa có bản án cuối cùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại gay gắt, kéo dài và không thi hành án được.
“Chánh án đánh giá như thế nào về tình trạng nêu trên và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này để bảo đảm bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị và bản án, quyết định phúc thẩm của tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành?” - ĐB Phan Thị Bình Thuận chất vấn.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời rằng: Những năm qua, số lượng đơn giám đốc thẩm đúng là tăng rất nhanh. “Năm 2017, chúng tôi mới giải quyết được 39,3%, tức là 7.000/18.000 đơn”.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói điều kiện để tái thẩm, giám đốc thẩm là rất ngặt nghèo. Ảnh: CHÂN LUẬN
Thừa nhận có việc nhiều bản án có hiệu lực pháp luật nhưng người dân vẫn gửi đơn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lưu ý rằng: “Điều kiện để tái thẩm, giám đốc thẩm là rất ngặt nghèo. Nếu không đủ điều kiện thì kể cả chánh án TAND Tối cao cũng không có quyền đưa ra giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đưa ra giải pháp phải tăng cường nhân lực cho TAND Cấp cao và TAND Tối cao để giải quyết đơn giám đốc thẩm. “Anh em làm ngày làm đêm nhưng không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao cũng nói trong việc tăng cường thẩm phán, nhân lực thì sẽ phân án, phân đơn giám đốc thẩm theo nguyên tắc phân chéo để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Mặt khác, TAND Tối cao cũng khuyến khích các thẩm phán tăng cường hòa giải và lấy số lượng vụ án được hòa giải làm chỉ tiêu thi đua.