Cởi bỏ tâm lý 'sợ sai' và chọn đúng nhà thầu làm cao tốc

(PLO)- Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng để cởi bỏ tâm lý sợ sai và chọn được nhà thầu đủ năng lực, Bộ GTVT, địa phương cần công khai, minh bạch và giám sát nhà thầu suốt thời gian thi công.

Thay vì Thủ tướng chỉ định gói thầu xây lắp theo nghị quyết của Chính phủ, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao bộ trưởng Bộ GTVT, chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền thu hồi đất được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) và ba dự án cao tốc phía Nam.

Bằng quyết định trên, Bộ GTVT phải thực hiện chỉ định thầu toàn bộ 12 dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và hai dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Mỗi địa phương có các dự án cao tốc phía Nam đi qua cũng sẽ thực hiện chỉ định thầu một dự án thành phần, với số tiền hàng ngàn tỉ đồng.

12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Đồ họa: HỒ TRANG

Năm bước để thực hiện chỉ định thầu

Với khối lượng công việc lớn như đã nêu, Bộ GTVT và các địa phương đang rất thận trọng trong việc chỉ định thầu. Mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu sớm đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để thúc đẩy và giám sát việc chỉ định thầu các dự án giao thông. Mục đích là để các cơ quan làm đúng quy định pháp luật, lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm để tổ chức thi công.

Cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&ĐT cũng vừa ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các dự án trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Theo văn bản này, việc lựa chọn nhà thầu phải tiến hành năm bước gồm chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu; trình, thẩm định phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu; hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

Với các quy trình trên, bước trình, thẩm định phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu của chủ đầu tư được đánh giá là vô cùng quan trọng bởi bước này sẽ nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia. Đây được xem là “chìa khóa” giúp loại trừ các yếu tố tiêu cực, tham nhũng trong chỉ định thầu.

Khi thực hiện các bước trên, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý các đơn vị nếu có vướng mắc, vượt thẩm quyền giải quyết, các bộ, ngành và địa phương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định…

Để tránh sai sót trong chỉ định thầu, các đơn vị được giao nhiệm vụ cần phải nắm chắc các quy định pháp luật và công khai, minh bạch thông tin như hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. Tránh tình trạng thận trọng quá mức, vì hiện nay có xu hướng sợ sai nên nhiều nơi thành lập hội đồng rất đông ban bệ nên không xác định được ai là người chịu trách nhiệm chính.

Tôi cho rằng nếu sợ sai thì làm công khai, minh bạch và phải có người chịu trách nhiệm chính. Chẳng hạn như việc chỉ định thầu đơn vị thẩm định hồ sơ là người chịu trách nhiệm…

PGS-TS TRẦN CHỦNG, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông

------------------------------------------------

Nếu người chỉ định thầu làm đúng các quy định, quy trình của pháp luật thì không bao giờ sai. Còn trường hợp có sai sót, cơ quan pháp luật cũng xem xét nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như vụ kit test ở Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, hầu hết các tỉnh, thành đều mua sản phẩm của công ty này nhưng chỉ có những người “ăn” hoa hồng mới bị xử lý chứ không phải tất cả. Bởi thời điểm dịch COVID-19, tinh thần “chống dịch như chống giặc” nên một số địa phương có mua bộ kit test với giá cao…

Tóm lại chúng ta làm vì dân, tư tưởng chí công vô tư, khách quan bài bản thì khi thanh tra, kiểm toán vào chẳng có gì phải ngại. Còn nếu anh vẫn lo sợ thì xin từ chức, để người khác làm…

Ông PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật QH, đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp

Cần giám sát sau chỉ định thầu

Để lựa chọn được đơn vị tốt, PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông, cho rằng cần ba yếu tố để xác định đó là năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và tài chính. Cụ thể ở đây là anh phải có vốn, máy móc thiết bị và con người. “Không nhất thiết năng lực kinh nghiệm ở đây là quá trình hình thành của doanh nghiệp đó, mà phải xem chỉ huy công trường là ai, việc tổ chức thi công ở công trường thế nào…” - ông Chủng phân tích.

Một điều quan trọng nữa được PGS-TS Trần Chủng lưu ý đó là giám sát sau chỉ định thầu. Trước đây cơ quan nhà nước hoàn thành khâu thủ tục lựa chọn nhà thầu là xem như xong nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng ta thiếu công tác giám sát nên không nắm việc nhà thầu đó có đưa đúng con người đủ năng lực, thiết bị kỹ thuật như cam kết ở hồ sơ mời thầu không…

“Trước đây chúng ta đấu thầu rất hoành tráng nhưng quá trình thi công không đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, việc chỉ định thầu hay đấu thầu một dự án ngoài việc lựa chọn được nhà thầu, cần phải giám sát để công trình hoàn thành đúng tiến độ…” - ông Chủng khẳng định.

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, cho rằng để tìm được nhà đầu tư tốt cần các tiêu chí về vốn, gồm vốn tự có và khả năng huy động tín dụng; yêu cầu ký quỹ để chứng minh năng lực. Khi ký hợp đồng cũng cần nêu rõ các điều kiện về xử phạt vi phạm cam kết, vi phạm chất lượng, tiến độ, kể cả điều khoản cấm tham gia các dự án giao thông khác.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH), đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, cho biết vừa qua QH, Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép chỉ định thầu nhiều dự án giao thông quan trọng. Một trong những lý do QH cho chỉ định thầu, ngoài rút ngắn thời gian dự án thì vấn đề quan trọng đó là việc khan hiếm vật liệu xây dựng, cụ thể ở đây là đất và cát. Nên việc lựa chọn nhà thầu tới đây, ngoài yêu cầu tài chính, kinh nghiệm phải đủ khả năng huy động vật liệu xây dựng để thi công dự án...

“Như vậy QH, Chính phủ đã có cảnh báo rồi, nếu chủ đầu tư chỉ định nhà thầu tay không bắt giặc, không dự trữ nguồn vật liệu… thì hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Tuy nhiên, tôi tin tưởng, yên tâm đối với những công trình xây lắp lần này…” - ông Hòa nói.•

Nhiều nhà thầu muốn được tham gia

Bộ GTVT vừa nhận được văn bản của hàng loạt doanh nghiệp đề xuất được tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Cụ thể, các doanh nghiệp Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Hưng Thịnh... Các ứng viên đều cam kết huy động tài chính, thiết bị và tổ chức thi công khoa học, bảo đảm chất lượng, thậm chí cam kết rút ngắn tiến độ 3-6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới