Coi chừng bùng phát dịch sởi

Chu kỳ dịch sởi bùng phát năm 2008 tại TP.HCM khiến hàng trăm trẻ em nhập viện mỗi tháng. Năm năm sau - thời điểm này của năm 2013, theo các chuyên gia chu kỳ phát dịch sởi đã trở lại và nó cũng đang vào mùa dịch. Tuy số ca mắc hiện nay chưa bằng năm 2008 nhưng đã có nhiều trẻ nhập viện với biến chứng nặng phải thở ôxy.

Không rõ con đã tiêm ngừa hay chưa

Bệnh nhi Nguyễn Hoài Khang (7,5 tháng tuổi, Long An) bị sốt, ho đã năm ngày, cha mẹ cứ nghĩ là bé sốt phát ban thông thường. Do tình trạng bé không ăn uống được, sốt liên tục nên gia đình đưa đến BV Nhi đồng 1 thì bé đã chuyển qua biến chứng viêm phổi. “Trước đó, dì của bé cũng bị sởi và đã hết. Khi bé bệnh, tôi chăm sóc bé nên cũng bị lây” - mẹ bé Khang nói.

Mặc dù đã bốn tuổi nhưng bé Huỳnh Văn Trung (quận Bình Tân) chưa được tiêm vaccine ngừa sởi lần nào. Lý do được mẹ bé đưa ra là hồi sáu tháng tuổi, bé được tiêm một mũi vaccine 6 trong 1 nhưng sau đó tháng nào bé cũng bệnh nên không được tiêm tiếp bất cứ loại vaccine nào. Trường hợp khác là bé Nguyễn Thị Kim Hiếu (15 tháng tuổi), dù đã được tiêm vaccine ngừa sởi lúc chín tháng tuổi nhưng nay bé vẫn bị và phải nhập vào BV Nhi đồng 1 để điều trị cũng với triệu chứng sốt, ho, không ăn uống được.

Coi chừng bùng phát dịch sởi ảnh 1

Một trẻ mắc sởi sốt, mệt nằm li bì ở BV Nhi đồng 1. Ảnh: TÙNG SƠN

Còn tại BV Bệnh nhiệt đới, trong một phòng có đến 6-7 bệnh nhân bị sởi mà đa phần là trẻ chưa tiêm mũi vaccine ngừa sởi nào. Một số là do dưới chín tháng tuổi chưa tiêm được, số còn lại là cha mẹ nói không biết hoặc con bệnh nên không dám đi tiêm. “Xung quanh nhà tôi có rất nhiều đứa bị sởi nhưng không nặng bằng con tôi. Mới có tám ngày mà bé đã sụt đi gần 3 kg. Còn Quỳnh Anh mới tiêm mội mũi vaccine (không rõ loại gì) nhưng bị co giật, sợ quá không cho bé tiêm nữa” - mẹ bé Ngô Quỳnh Anh ở quận Tân Phú cho biết.

Khoảng 20% trẻ bị biến chứng nặng

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết từ cuối tháng 11 đến nay, khoa Nhiễm đã tiếp nhận trên 40 trường hợp mắc sởi nhập viện, trong đó có hơn 10 em bị biến chứng viêm phổi nặng phải thở ôxy. Trong khi đó, 3-4 năm nay không có trẻ bị sởi nào nhập viện. Các trẻ vào bệnh viện từ dưới một đến 10 tuổi, đa phần sốt cao, thở mệt.

Theo BS Khanh, virus sởi nằm trong vùng mũi họng và phát tán nhanh vào thời kỳ trước phát ban qua ho, hắt hơi. Thời kỳ này do trẻ ho, hắt hơi, đỏ mắt nhiều nên virus phát tán rất khủng khiếp. Trẻ mắc sởi có biểu hiện bên ngoài là sốt cao, ho nhiều, sổ mũi hai, ba ngày. Sau đó bắt đầu phát ban theo thứ tự từ chân tóc, mặt, bụng, chân và từ từ hết theo thứ tự đó nhưng nó để lại trên da những vết thâm. “Nhưng quan trọng nhất là sởi sẽ làm cho trẻ biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch. Ngoài ra, sởi còn gây biến chứng viêm não, viêm phổi, thiếu vitamin A làm hư mắt, viêm tai giữa. Trẻ khoảng 10 tuổi thì biến chứng nặng hơn. Do vậy, ngày xưa trẻ mắc sởi tử vong nhiều” - BS Khanh cho biết. Về điều trị, bệnh sởi chỉ điều trị 5-7 ngày là khỏi, tùy theo biến chứng, kèm hạ sốt, bảo đảm dinh dưỡng.

Còn theo BS Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A BV Bệnh nhiệt đới, thì trước đây khi trẻ mắc bệnh sởi, người nhà thường mắc sai lầm là cắt lể, cho uống thuốc Nam, kiêng ăn uống, tắm rửa…, khi trẻ nặng mới đến BV, trẻ tử vong do nhiễm trùng huyết.

BS Khanh và BS Vinh nhận định bệnh sởi quay lại và có nguy cơ lây, biến chứng, suy dinh dưỡng. Nguyên nhân bệnh sởi lây lan là do trẻ không được tiêm vaccine, cha mẹ sợ không cho tiêm và bác sĩ tiêm dịch vụ tư vấn sai, tức không chú ý mũi tiêm lúc chín tháng.

TP.HCM sẽ tiêm ngừa sởi cho trẻ 9-24 tháng tuổi chưa tiêm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết hiện bệnh sởi đã có mặt ở các quận, huyện phía tây TP mà trọng tâm là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Tân Phú và vùng rìa của dịch là quận 6, 8, 12, Tân Bình và huyện Hóc Môn.

Qua bốn tháng dịch lưu hành, số ca sởi ở mức 40-50 ca/tháng, điều này cho thấy phần đông trẻ đã được tiêm vaccine sởi 1-2 lần. Nhưng có nhiều trẻ tiêm mũi một ngừa sởi rồi mà vẫn mắc? Những trẻ tiêm mũi một thì miễn dịch phòng bệnh chỉ đáp ứng 90%. Tiêm hai mũi hiệu lực sẽ cao hơn. Nhưng tiêm đầy đủ vẫn có thể mắc bệnh nhưng rất hiếm gặp. Còn không tiêm mũi nào thì nguy cơ mắc sẽ cao hơn.

Để khống chế đẩy lùi dịch sởi, TP đã đề nghị các quận, huyện ba việc: Thứ nhất là thông tin cho tất cả gia đình, tổ dân phố, nhất là vùng biến động dân số như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú là trẻ 9-24 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi thì ra tiêm ngay tại trạm y tế phường, xã trong những ngày tổ chức tiêm chủng, kết hợp với tiêm bù vaccine Quinvaxem. Thứ hai, rà soát lại tất cả trường mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình công và tư về tiền sử tiêm vaccine sởi, nếu trẻ nào chưa tiêm đầy đủ đúng theo lịch thì đề nghị phụ huynh đưa trẻ đi tiêm trong vòng 10 ngày để đảm bảo phòng bệnh sởi cho trẻ và dịch lây trong trường học. Thứ ba là tăng cường giám sát tại cộng đồng, nhất là trường học.

Mặc dù lịch tiêm chủng mở rộng yêu cầu tiêm vaccine sởi cho trẻ chín tháng tuổi nhưng hiệu quả vẫn chưa tốt bằng tiêm lúc 12 tháng tuổi. Nhưng tiêm sởi lúc chín tháng tuổi để cho trẻ có miễn dịch vì khả năng có dịch sởi lưu hành. Trước đây, trẻ được tiêm vaccine sởi mũi một vào lúc chín tháng tuổi, mũi hai vào năm sáu tuổi. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, TP thay đổi chương trình tiêm, tức mũi hai sẽ tiêm vào lúc trẻ 18 tháng tuổi, đảm bảo cho trẻ không bị mắc sởi và lây lan. Nếu dịch sởi xảy ra trên diện rộng và nhiều lứa tuổi thì chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tính toán cho tiêm, hiện chưa đến mức độ đó.

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ,
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm