Coi chừng nhầm viêm màng não với sốt thông thường

(PLO)- Nhiều ca viêm màng não trẻ em nhưng không được phát hiện sớm dẫn đến di chứng nặng, tốn kém chi phí và kéo dài thời gian điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luôn tay dỗ dành cháu trai 5,5 tháng tuổi quấy khóc, bà Trần Kim Vy Bội (ngụ An Giang) cho biết bé điều trị tại khoa đã hơn 1,5 tháng. Cha mẹ bé hoàn cảnh khó khăn nên bé sống với bà. Từ ngày bé bệnh, bà Bội bỏ công việc bán hủ tiếu mỗi ngày thu thập hơn 100.000 đồng dồn sức chăm cháu. Chồng bà chạy xe tải thu nhập không nhiều cũng phải cố gắng để có tiền cho bà mua sữa.

Điều trị dài ngày không khỏi

Bà Bội kể ban đầu bé sốt ba ngày nên bà đưa đi khám tư, bác sĩ (BS) cho xét nghiệm máu nhưng không ra bệnh, bé chỉ uống thuốc hạ sốt. Ba ngày sau bé vẫn tiếp tục sốt, có biểu hiện trợn mắt, gồng tay chân, thóp đầu phồng lên nên bà đưa bé vào BV ở huyện Châu Đốc (An Giang).

Tại đây, bé bị co giật tím người, các BS nghi viêm màng não (VMN) mủ và hồi sức tỉnh lại. Bà tự đưa bé lên BV Nhi đồng 1 để điều trị tiếp vào ngày 5-10, đến ngày 10-10 thì bé được phẫu thuật lấy mủ màng não. “BS nói bé còn mủ nên phải theo dõi tiếp, chưa biết chừng nào được về” - bà thở dài.

Anh Lê Đăng Bé đang chăm sóc con trai tại Khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1. Ảnh: HOÀNG LAN

Anh Lê Đăng Bé đang chăm sóc con trai tại Khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1.
Ảnh: HOÀNG LAN

Dỗ con thiu thiu ngủ, chị Đỗ Thị Dung (ngụ Bạc Liêu) chia sẻ bé gái được sáu tháng tuổi. Cách đây một tháng, bé có biểu hiện nóng sốt, co giật tím môi, được BS tư chẩn đoán sốt siêu vi. Thấy con uống thuốc hạ sốt không hết chị đưa bé vào BV ở tỉnh khám thì BS phát hiện cổ bé bị cứng, chọc dò tủy sống phát hiện bị VMN. Bé được BS ở BV Nhi đồng 1 phẫu thuật đã 10 ngày nhưng vết mổ còn ửng đỏ, chưa cắt chỉ được.

“Bé yếu ớt do sinh non ở tuần thứ 32, suy hô hấp phải thở ôxy, sau đó còn bị nhiễm trùng máu. Từ lúc bé bệnh đến nay, tôi đếm bé sốt 21 ngày liên tục, đến khi hết sốt năm ngày là lên bàn mổ” - chị Dung kể.

Ngoài bị sốt, bé trai bảy tuổi con anh Lê Đăng Bé (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) còn đau đầu dữ dội. Anh Bé kể: “Cháu đau đầu dữ dội mấy ngày liên tục, phòng khám tư không phát hiện ra bệnh nên chuyển lên đây. BS chẩn đoán cháu bị VMN, đang sàng lọc nguyên nhân. Từ hồi nào giờ cháu không có bệnh gì nghiêm trọng cả”.

Hiện là thời điểm thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại kèm theo các bệnh viêm xoang, viêm tai giữa, viêm mũi họng... đây là những yếu tố nguy cơ có thể khiến vi khuẩn, virus ở đường mũi họng đi vào trong máu gây nhiễm khuẩn huyết và lên não gây VMN.

Nhìn con trai miên man trên giường bệnh, anh Sơn Đạt (ngụ Sóc Trăng) cho biết bé sáu tuổi, sốt cao cách đây 10 ngày. BS tư gần nhà nghi ngờ bé bị sốt xuất huyết, cho uống thuốc ba ngày thì hết sốt. Tuy nhiên, bé lại xuất hiện co giật nên gia đình đưa bé vào BV. “Tôi cùng gia đình cũng ỷ y bé sốt thường thôi, không ngờ lại biến chứng nặng như vậy” - anh Đạt nói.

Nhiều di chứng nếu phát hiện muộn

Theo BS Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1, hiện tại khoa có 135 trẻ nằm viện thì có đến 28 trẻ mắc VMN ở lứa tuổi rải rác từ vài tháng đến 15 tuổi. Trong đó có ba trẻ phải cấp cứu và hỗ trợ thở máy, thở ôxy. Đáng chú ý, đa số ca nhập viện có tình trạng nặng do phát hiện muộn và chủ yếu ở tỉnh chuyển lên.

VMN là một trong những tình trạng cấp cứu nội khoa. Có nhiều loại vi khuẩn, virus gây VMN tùy theo đặc điểm dịch tễ mỗi quốc gia. Chẳng hạn ở Việt Nam, những năm gần đây, tiêm chủng mở rộng phát triển nên VMN do vi khuẩn Hemophilus influenza type b (Hib) đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những loại vi khuẩn khác đáng lo ngại như vi khuẩn phế cầu, hiện có tình trạng kháng thuốc khiến việc điều trị khó khăn.

Vi khuẩn gây VMN hay gặp ở trẻ dưới ba tháng nhiều nhất là E.coli, Listeria monocytogenes, B.streptococcus. Trẻ trên ba tháng đến năm tuổi hay gặp nhất là phế cầu và não mô cầu. Dấu hiệu VMN ở trẻ nhỏ là sốt, quấy khóc liên tục, ọc sữa, bú kém hoặc sốt cao quá gây co giật kèm theo tiêu chảy, phân bất thường. Với trẻ lớn hơn, ngoài sốt, sốt co giật, trẻ có thể nói được tình trạng của mình như sợ ánh sáng, nhức đầu, buồn nôn kèm theo nôn ói.

“Bệnh đặc biệt hay xảy ra trên cơ địa các trẻ bị viêm mũi họng, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, viêm xoang, viêm tai giữa hay trên trẻ mắc bệnh thalassemia có cắt lách mà chưa được chủng ngừa, trẻ có hệ miễn dịch yếu...” - BS Quy lưu ý.

Cũng theo BS Quy, nếu lơ là không phát hiện sớm bệnh VMN, trẻ có thể bị nhiễm trùng, tổn thương não, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Ở những trẻ điều trị được thì thời gian điều trị thường kéo dài, tăng chi phí nằm viện, trẻ có di chứng chậm phát triển tâm thần và vận động.

Kiểm tra viêm màng não rất nhanh

Kết quả kiểm tra trẻ mắc bệnh VMN hay không có rất nhanh, chỉ mất 2-4 tiếng. Điều trị VMN chủ yếu là sử dụng kháng sinh, đúng thời điểm, đúng liều và phù hợp với trẻ. Song song đó là điều trị hỗ trợ nâng đỡ về mặt dinh dưỡng, hỗ trợ hô hấp, chống phù não, điều chỉnh rối loạn nước điện giải và hạ sốt tích cực...

BS DƯ TUẤN QUY, Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.