Đó là quan điểm của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel đưa ra tại Hội thảo Doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn vừa diễn ra vào sáng 2-4.
Đề cập đến mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam vào năm 2020 phải đạt 20 triệu khác quốc tế và 81 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đâu đó khoảng 47 tỷ USD, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng mục tiêu đó khó khả thi.
Theo ông Kỳ, hiện Việt Nam vẫn chưa đầu tư mạnh phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch, và thị trường khách du lịch của nước ta cũng tương đối hẹp. Ngay cả các hội chợ giới thiệu sản phẩm du lịch chủ yếu mang tính tự phát và nhỏ lẻ, thậm chí với những hoạt động lớn cũng không tạo ra được cú hích cho thị trường du lịch, ngoại trừ dịch vụ điện tử.
Hãy thử nhìn sang Thái Lan, năm ngoái họ đạt mục tiêu thu hút 26 triệu lượt khách và phấn đấu năm nay sẽ tăng lên 36 triệu khách. Trong khi đó Việt Nam trong năm 2018 chỉ thu hút được 13 triệu lượt khách.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xác định lại thị trường, chính sách phát triển thị trường du lịch ra sao. Thời gian vừa qua tốc độ phát triển du lịch của Đà Nẵng và Nha Trang rất mạnh kéo theo bất động sản du lịch tăng rất nhanh. Nhưng đáng tiếc số lượng khách tăng là do các hãng du lịch của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đưa vào là chính chứ không phải khách du lịch quốc tế do chính các doanh nghiệp Việt đưa vào. Chúng ta không hề chủ động được bất cứ động thái nào ngay cả dịch vụ hàng không quá tải, không đáp ứng do không có chuẩn bị trước.
"Đối với sản phẩm du lịch, thì chúng ta thiếu sản phẩm vùng, không kết nối vùng và quá đơn điệu. Khách du lịch lần đầu đến Việt Nam, chỉ cần đi tour 13 ngày đêm từ Bắc vào Nam là biết đủ, nên họ đâu cần phải quay lại làm gì? Chưa kể, tất cả sản phẩm du lịch chủ yếu chỉ tập trung từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, trong khi sản phẩm từ 6 giờ chiều đến 2 giờ sáng lại không được phát triển. Một điểm nữa là chúng ta không đầu tư vào sản phẩm mua sắm, cho nên khách du lịch đến Việt Nam chỉ mua những sản phẩm rất rẻ tiền" ông Kỳ nhấn mạnh.
Chưa hết, với bất động sản nghỉ dưỡng, theo ông Kỳ, các khu resort cũng được các nhà đầu tư địa ốc phát triển rất nhiều, nhưng phát triển làm gì để tối khách chỉ biết ngồi xem tivi trong phòng vì không biết đi đâu? Đơn giản như ngay tại khu du lịch Hồ Tràm, Vũng Tàu đẹp như thế những buổi tối muốn đi chơi, thưởng thức món ăn ngon thì chỉ có lèo tèo vài quán ăn ngay đầu đường đất, như vậy thì làm sao phục vụ mục tiêu cả triệu khách du lịch đến. Rõ ràng chúng ta phải thay đổi nhận thức đối với các sản phẩm ban đêm.
Bởi không có sản phẩm ban đêm thì không cách gì giữ khách và không thể tạo được nguồn thu cho người dân địa phương và qua đó không tăng thu cho ngân sách. Nhiều địa phương vừa qua đã quan tâm đến hình thức phố đi bộ ban đêm, nhưng nếu không có quy hoạch thì không có hiệu quả về văn hóa, kinh tế, an ninh… Sản phẩm ban đêm tại sao chúng ta cứ sợ nó vì nghĩ là sản phẩm nhạy cảm, nhưng đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Trong khi chi phí cho sản phẩm ban đêm mới đem lại nguồn thu lớn cho du lịch.
Bên cạnh đó, ông Kỳ cũng cho rằng ngay cả bất động sản du lịch cũng vậy, chúng ta đang bỏ phí tài nguyên rất lớn, hiện doanh nghiệp bất động sản mới tiếp cận đến mép nước thôi, trong khi du lịch nghỉ dưỡng bao gồm mép nước, trên mặt nước và dưới mặt nước. Nhưng hiện chúng ta mới tiếp cận đến mép nước thôi, còn trên mặt nước không đầu tư gì cả. Nếu tổ chức lặn biển mỗi shot lặn lên tới 200USD. Chi đầu tư ít nhưng lợi nhuận rất cao. Hay như tất cả tàu chạy đưa đón khách du lịch trên vịnh biển đều là tàu cá cải trang. Du lịch mà lạch bạch như thế thì làm sao đáp ứng khách khối lượng lớn.
Ông Kỳ đánh giá một vướng mắc nữa liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng đó là khi khách Trung Quốc vào Việt Nam thông qua tour 0 đồng, họ tổ chức luôn cả bán hàng, thuê luôn khách sạn, tự quản lý điều hành từ A-Z. Người Việt chỉ biết đứng bên lề. Thậm chí đến cả thanh toán họ cũng vác cả máy POS từ Trung Quốc sang, kết nối internet và thanh toán trực tuyến luôn. Như vậy thì chẳng còn cái gì của mình cả. Vậy thì đâu là giải pháp để giúp cho du lịch giữ lại tiền ở Việt Nam. Vừa qua một số nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore sang ký với NHTQ để kết nối thêm trực tuyến việc chuyển tiền qua hệ thống máy định vị IP khi khách hàng cà thẻ. Khi cạnh tranh như vậy bán với giá 0 đồng thì làm sao chúng ta đua nổi.
"Chúng ta cần phải thay đổi lại quan điểm về du lịch, tính toán lại môi trường kinh doanh của ngành này nếu không chúng ta rơi vào dạng du lịch “lòng máng” tức là vào rồi trượt đi luôn và không thẩm thấu vào nền kinh tế của người dân địa phương" ông Kỳ nêu quan điểm.